Theo Financial Times, trong nửa cuối năm 2023, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) và Ngân hàng trung ương Anh (BoE) đã tạm dừng chiến dịch tăng lãi suất.
Giờ đây, khi tỷ lệ lạm phát toàn phần đang giảm tại phần lớn các quốc gia trong nhóm G7, áp lực cắt giảm lãi suất đặt lên các nhà hoạch định chính sách ngày càng lớn.
Ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng tại Capital Economics, nhận định: “Chúng tôi dự đoán lạm phát sẽ hạ nhiệt sâu hơn kỳ vọng của các ngân hàng trung ương”. Ông lưu ý rằng tăng trưởng gần đây đã suy yếu, trong khi những tác động từ đại dịch COVID và khủng hoảng năng lượng toàn cầu dần được giải quyết.
“Chính sách hiện khá thắt chặt, có nghĩa các ngân hàng trung ương nó thể nới lỏng đôi chút mà không chuyển thành hỗ trợ tăng trưởng. Hãy tưởng tượng rằng các ngân hàng trung ương đang nhả phanh một chút, thay vì nhấn ga”, ông nói.
Các nhà đầu tư đang đặt cược Fed sẽ hạ lãi suất lần đầu vào tháng 3/2024, với 5 lần cắt giảm 25 điểm cơ bản (bps) trong năm 2024. ECB được dự báo sẽ hạ lãi suất lần đầu vào tháng 3 hoặc 4, còn BoE là tháng 5. Cả hai ngân hàng trung ương trên có thể sẽ điều chỉnh lãi suất 6 lần trong năm 2024.
Tuy nhiên, tại cuộc họp chính sách gần nhất, Fed cho biết lãi suất sẽ chỉ được cắt giảm 75 bps trong 12 tháng tới. Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Jerome Powell khẳng định Fed “nhận thức được rủi ro nếu duy trì lãi suất cao quá lâu”.
Những nhà hoạch định chính sách khác, chẳng hạn như Chủ tịch Fed chi nhánh New York John Williams, sau đó đã cố gắng bác bỏ những suy đoán của thị trường về việc Fed sẽ hạ lãi suất sớm.
Ông Tomasz Wieladek, nhà kinh tế tại T Rowe Price, nhận xét: “Để đạt được hạ cánh mềm, duy trì thị trường việc làm ổn định trong khi lạm phát hạ nhiệt, Fed sẽ cần có một chính sách tiền tệ hướng tới tương lai”. Ông lập luận rằng chính sách tiền tệ vẫn sẽ ở vùng hạn chế, ngay cả sau đợt cắt giảm đầu tiên. “Diễn biến lạm phát cho phép và thực sự đảm bảo khả năng cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 3/2024”.
ECB, BoE chậm chân hơn?
Tuy nhiên, bằng cách nới lỏng điều kiện tài chính, các ngân hàng có thể thúc đẩy tăng trưởng và giá tài sản, đồng thời tạo ra nguy cơ về làn sóng lạm phát thứ hai. ECB và BoE đã có quan điểm diều hâu hơn Fed, khi trong cuộc họp tháng 12, cả hai đều cho rằng còn quá sớm để nới lỏng.
Lạm phát tại khu vực đồng tiền chung châu Âu đã xuống còn 2,4% trong tháng 11, thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 10% vào 1 năm trước đó và gần với mục tiêu 2% của ECB. Tuy nhiên, các nhà kinh tế vẫn cảnh giác với một đợt tăng giá cả mới.
Một cuộc khảo sát của Financial Times cho thấy phần lớn các nhà kinh tế dự kiến ECB sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào quý 2/2024. Chỉ có hai người dự đoán ngân hàng trung ương này sẽ có động thái ngay trong ba tháng đầu năm.
Ông Wieladek cho biết: “Tôi nghĩ rằng ECB có thể sẽ cắt giảm lãi suất sớm nhất vào tháng 6 năm 2024. Các dữ liệu như tăng lương thỏa thuận, lương thưởng cho mỗi nhân viên và chi phí lao động trên đơn vị đều tiếp tục cho thấy lạm phát dai dẳng trong trung hạn”.
Tại Anh, cũng đang có những lời kêu gọi BoE thừa nhận sự tiến bộ trong cuộc chiến chống lạm phát. Tốc độ tăng CPI của Anh đã hạ xuống còn 3,9% trong tháng 11, từ mức hơn 11% vào tháng 10 năm ngoái.
Ông Jonathan Haskel, một trong những người có quan điểm diều hâu trong Ủy ban chính sách tiền tệ của BoE, đã viết triên X (Twitter) rằng có “tin tức” cho thấy thước đo chính về lạm phát dịch vụ đang giảm bớt. Tuy nhiên, ông cũng khẳng định chính sách không nên được thay đổi chỉ sau một dữ liệu tích cực.
Ông Andrew Goodwin, nhà kinh tế trưởng tại Oxford Economics, cho biết chỉ số lạm phát tháng 11 sẽ là yếu tố “thay đổi cuộc chơi” đối với chính sách tiền tệ của Anh. Nhà kinh tế này cũng nói thêm rằng mặc dù BoE lo lắng về các cuộc đàm phán lương sắp tới, nhưng ngân hàng trung ương này có thể bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 5.
Bộ trưởng Tài chính Anh Jeremy Hunt trả lời phỏng vấn của Financial Times: “Có khả năng hợp lý rằng nếu chúng ta kiên trì theo lộ trình hiện tại thì lạm phát sẽ hạ nhiệt và BoE có thể quyết định bắt đầu cắt giảm lãi suất”.
Ông Shearing của Capital Economics lập luận rằng tình trạng thiểu phát ở Mỹ diễn ra nhanh hơn ở châu Âu, và khả năng cho phép Fed cắt giảm lãi suất sớm hơn một số ngân hàng trung ương khác.