Kiểm toán Nhà nước “gọi tên" VIB khi báo cáo về việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra những tồn tại của một số ngân hàng thương mại, trong đó có Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), trong quá trình triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm.
ngan-hang-vib-1675006407.jpeg
 

Vừa qua, Kiểm toán Nhà nước đã có Báo cáo số 1247/BC-KTNN Tổng hợp kết quả Kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội.

Theo báo cáo, Kiểm toán Nhà nước đã có những kiến nghị với Ngân hàng nhà nước (NHNN) về phần nội dung liên quan đến Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (HoSE: VIB) và một số NHTM.

Trước đó, vào ngày 11/1/2022, Quốc hội đã ban hàng Nghị quyết số 43/2022/QH15 Về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội. Sau gần 2 năm triển khai, Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành một số cuộc kiểm toán liên quan đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ Chương trình.

Về hỗ trợ lãi suất 2%/năm tối đa 40.000 tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.

Kiểm toán Nhà nước cho biết, nhìn chung công tác triển khai tại các tổ chức tín dụng (TCTD) được thực hiện theo quy định. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022, NHNN đã triển khai và ban hành các văn bản chỉ đạo, các TCTD ban hành văn bản triển khai để các đơn vị trực thuộc có kế hoạch giải pháp thực hiện.

Tuy nhiên, qua kiểm toán cho thấy còn một số tồn tại như: Công tác truyền thông chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, thể hiện ở việc sau gần 03 tháng triển khai, kết quả cho vay hỗ trợ lãi suất của các NHTM vẫn chưa như kỳ vọng, vẫn còn ý kiến phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng về nhiều khó khăn khi tiếp cận chính sách.

Tại các NHTM, Kiểm toán Nhà nước chỉ ra rằng: VIB và một số NHTM ban hành văn bản nội bộ hướng dẫn còn chậm. Theo tài liệu VIB cung cấp cho thấy không có bằng chứng thể hiện đơn vị chủ động tiếp cận, đồng hành, hướng dẫn khách hàng hiểu đúng, đủ về chính sách.

Ngoài ra, có ngân hàng bị “nêu tên” vì chưa thực sự chú trọng tập huấn, hướng dẫn đào tạo nội bộ; Các NHTM khác như: HSBCPublic Bank bị “nêu tên” vì văn bản hướng dẫn nội bộ chưa xây dựng tiêu chí để đánh giá “khả năng phục hồi” của khách hàng làm căn cứ xét duyệt hỗ trợ lãi suất; Trong khi, Ngân hàng Shinhanbank và Public Bank bị "nêu tên” vì công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách chưa kịp thời, nội dung tuyên truyền sơ sài, không đầy đủ rõ ràng.

Đến ngày 31/12/2022, Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/NĐ-CP không đạt mục tiêu, kết quả thực hiện còn rất thấp so với kế hoạch đề ra, số tiền đã hỗ trợ lãi suất là 134 tỷ đồng đạt 0,8%/tổng số hạn mức hỗ trợ lãi suất đã đăng ký và được phê duyệt, đạt 0,84% kế hoạch của năm 2022 (16.034,9 tỷ đồng).

Đến ngày 31/3/2023, số tiền luỹ kế hỗ trợ lãi suất là 332,5 tỷ đồng đạt 0,83% (đến cuối tháng 7/2023 theo Báo cáo số 432/BC-CP số tiền hỗ trợ lãi suất đạt khoảng 681 tỷ đồng tương đương 1,7%) nguồn lực bố trí thực hiện chính sách.

Đáng chú ý, theo Kiểm toán nhà nước, trong năm 2022, có 15/44 NHTM không hỗ trợ lãi suất, có 14/44 ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi suất dưới 01 tỷ đồng, trong đó có VIB.

Về tình hình kinh doanh, VIB ghi nhận doanh thu khởi sắc trong quý 3/2023, giúp nhà băng này đạt lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trước chi phí dự phòng rủi ro tín dụng đạt 4.307 tỷ đồng, tăng 45,7% so với cùng kỳ năm 2022.

Thế nhưng, trong quý 3/2023, trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của VIB là 1.624 tỷ đồng, tăng gấp gần 10 lần so với cùng kỳ năm 2022.

Kết quả, VIB chỉ đạt lợi nhuận trước thuế trong quý 3/2023 là 2.682 tỷ đồng, giảm 3,9% so với cùng kỳ năm 2022.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2023, thu nhập lãi thuần của VIB đạt 13.027 tỷ đồng, tăng 17,9% so với đầu năm. Thế nhưng, VIB cũng đã phải dành ra 3.153 tỷ đồng để trích lập dự phòng rủi ro tín dụng (tăng 3,4 lần so với cùng kỳ), khiến lợi nhuận sau thuế 9 tháng đầu năm của VIB suy giảm đáng kể, đạt 6.660 tỷ đồng (tăng 6,54% so với cùng kỳ năm 2022).

Đáng chú ý, dù lợi nhuận tăng trưởng tốt 9 tháng đầu năm 2023 nhưng tỷ lệ nợ xấu của VIB cũng ghi nhận đà tăng từ 1,8% hồi đầu năm lên mức 3,68% trong quý 3/2023, khiến nhà băng này rơi vào nhóm ngân hàng đang niêm yết có tỷ lệ nợ xấu cao nhất toàn ngành.