Họp với Thủ tướng, nhóm 'Big 4' đồng thuận giảm thêm lãi suất

admin
4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước (Big 4) vừa đồng thuận cao với chủ trương của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới.
lai-suat-ho-vay-1670121404.jpeg
 

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, sáng nay (25/4), Thủ tướng đã họp với NHNN và các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước, chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất, giảm lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Tại cuộc họp với Chính phủ sáng nay, 4 ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước đã đồng thuận cao về chủ trương của NHNN về việc giảm mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Trong thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản hệ thống để góp phần giúp các ngân hàng hạ mặt bằng lãi suất.

Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, thông tin thêm, trong thời gian qua, NHNN đã điều hành liên tục tăng lượng tiền cung ứng trên thị trường mở, giảm lãi suất trên thị trường này từ 6% xuống còn 5%. Thanh khoản hệ thống dồi dào với số dư tiền gửi dự trữ của các ngân hàng tại NHNN thường xuyên dư thừa, lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh tạo điều kiện giảm lãi suất trên thị trường 1.

Cùng với đó, tỷ giá VND ổn định so với các đồng tiền khác giúp NHNN mua một lượng lớn ngoại tệ tăng dự trữ ngoại tệ, tương ứng đưa lượng tiền đồng lớn ra thị trường.

Thực tế, thời gian gần đây, NHNN đã triển khai nhiều biện pháp để giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.

Chỉ trong vòng 2 tuần, NHNN đã tiến hành liên tiếp 2 đợt giảm lãi suất điều hành vào các ngày 15/3 và 3/4. Lãi suất huy động đã giảm mạnh sau 2 lần giảm lãi suất điều hành. So với mức đỉnh điểm ghi nhận hồi giữa tháng 1, lãi suất huy động niêm yết tại các ngân hàng đã giảm khoảng 0,5-1,5% ở tất cả kỳ hạn.

Mặt bằng lãi suất huy động nhiều ngân hàng đã về dưới 8%/năm. Hiện chỉ còn 2 ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi trên 9%/năm là ABBank và OCB.

NHNN vừa công bố diễn biến lãi suất của tổ chức tín dụng đối với khách hàng tháng 3/2023. Theo đó, lãi suất tiền gửi bằng VND bình quân của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,2-0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 5,5- 5,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 7,0-8,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 6,7-7,9%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 7,1- 8,1%/năm đối với kỳ hạn trên 24 tháng. Lãi suất tiền gửi USD của tổ chức tín dụng ở mức 0%/năm đối với tiền gửi của cá nhân và tổ chức.

Từ đầu tháng 4 đến nay, các ngân hàng liên tục điều chỉnh giảm lãi suất huy động, mức giảm khoảng 1-1,5%/năm.

Về lãi suất cho vay, theo NHNN, trong tháng 3, lãi suất cho vay bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 9,6-11,3%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với lĩnh vực ưu tiên khoảng 4,5%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN. Lãi suất cho vay USD bình quân của ngân hàng thương mại trong nước đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 4,4 - 5,7%/năm đối với ngắn hạn; 6,1-6,4%/năm đối với trung và dài hạn.

Hiện, mức lãi suất cho vay mới đã giảm 0,6% so với với cuối năm 2022 và tiếp tục có xu hướng giảm trong thời gian tới.

{