Hoạ sĩ Nguyễn Văn Lưu
Từ khi còn nhỏ, hoạ sĩ Nguyễn Văn Lưu đã bộc lộ niềm đam mê hội hoạ và có được sự ủng hộ của gia đình. Ông vẽ tất cả những gì ông thấy xung quanh mình. Với nền tảng đó, ông phát triển nhưng vẫn giữ nguyên giá trị cốt lõi, đó chính là cái đẹp bình dị của thiên nhiên, của làng quê và của những phố thị xưa cũ. “Cái đẹp nằm trong sự bình dị” - góc nhìn đã định hình nên phong cách riêng cho hoạ sĩ Nguyễn Văn Lưu. Phần lớn tranh của ông có bố cục chặt chẽ, gợi tả, không rườm rà. Đặc biệt cái giản dị, truyền thống cũng đến ngay từ những chất liệu ông dùng: giấy dó truyền thống và lụa màu nước.
Tác phẩm “Hà Nội phố cuối thu” của hoạ sĩ Nguyễn Văn Lưu
Tác phẩm “Thiếu nữ vùng cao” của hoạ sĩ Nguyễn Văn Lưu
Nghệ thuật không có tuổi già. Giờ đây, dù đã trải qua nhiều năm trong nghề, Nguyễn Văn Lưu - người hoạ sĩ yêu nét đẹp dung dị của đời thường vẫn say sưa, miệt mài bên giá vẽ để thu nhỏ những làng quê, con phố vào một khung tranh. Từ năm 1980 đến năm 2000, ông tham gia rất nhiều triển lãm tranh ở Hà Nội và khu vực 2 đồng bằng sông Hồng. Đặc biệt năm 1997, tác phẩm “Chiều về” được giải B do Hội văn học nghệ thuật Hà Nam trao tặng. Ngoài ra, ông còn có tranh trong các sưu tập cá nhân của Pháp, Đức, Mỹ, Ý, Nhật, Hàn Quốc và một số gallery trong nước.
Tác phẩm “Nhớ bến đò xưa” của tác giả Nguyễn Văn Lưu
Để hiểu rõ hơn về người hoạ sĩ “giản dị, dung dị, bình dị” này, tôi đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Văn Lưu, nghe ông chia sẻ về niềm đam mê hội hoạ của mình.
Theo tôi được biết, nguồn cảm hứng của hoạ sĩ đến từ những gì đời thường. Vậy làm thế nào để hoạ sĩ lấy được cảm hứng sáng tác và ai là người truyền cảm hứng và có sức ảnh hưởng đến mỗi tác phẩm của hoạ sĩ?
Nguồn cảm hứng của tôi đến từ thiên nhiên và những điều bình dị trong cuộc sống, những phiên chợ quê nghèo, những người nông dân lam lũ hãy những phố Hà Nội cũ kỹ, rêu phong. Tất cả phong cảnh và những điều bình dị trong cuộc sống đều gây ấn tượng và cảm xúc trong tâm hồn tôi. Bên cạnh đó, cảm xúc của tôi luôn hướng về ký ức.
Người đầu tiên truyền cảm hứng cho tôi là hoạ sĩ Tạ Thúc Bình (hoạ sĩ khoá Đông Dương). Tôi rất thích những bức vẽ của cụ từ khi còn rất nhỏ, cụ đã vẽ minh hoạ tranh cho các truyện dân gian Việt Nam như “Thạch Sanh”, “Cóc kiện trời”, “Tấm Cám”,… Tôi rất yêu thích cách vẽ của cụ.
Tác phẩm “Mùa hoa mận” của tác giả Nguyễn Văn Lưu
Phong cách riêng của hoạ sĩ toát lên từ các tác phẩm giản dị, yêu đời và gắn liền với cuộc sống đời thường, theo cái nhìn rất sinh động. Hoạ sĩ có thể nói đôi chút về quá trình phát triển phong cách đó được không?
Trong quá trình gần 50 năm cầm bút, trải qua nhiều cách vẽ, hiện nay tôi đã định hình một phong cách vẽ mang âm hưởng dân gian Việt Nam với tất cả những gì bình dị và đời thường nhưng cũng không kém phần lãng mạn.
Người nghệ sĩ sáng tác đôi khi rơi vào một tình trạng khủng hoảng trong việc sáng tác, vì mất cảm hứng, bí đề tài. Hoạ sĩ có từng bị như thế không? Trong trường hợp đó, để giải quyết hoạ sĩ đối phó ra sao?
Là nghệ sĩ sáng tác đôi khi rơi vào khủng hoảng nhưng tôi luôn biết giữ và nuôi dưỡng cảm xúc của mình. Là một người vẽ chuyên nghiệp nên tôi vẽ hàng ngày như hơi thở.
Tác phẩm “Cảm xúc làng quê” của tác giả Nguyễn Văn Lưu
Tác phẩm “Ngày mới” của tác giả Nguyễn Văn Lưu
Là một họa sĩ Việt Nam thành danh, tốt nghiệp từ Trường Mỹ Thuật chuyên nghiệp, hoạ sĩ có nghĩ rằng muốn là một hoạ sĩ có cần qua đào tạo trường lớp không? Hoạ sĩ có muốn nhắn nhủ gì cho những bạn trẻ đang bắt đầu trở thành họa sĩ?
Là hoạ sĩ được đào tạo cơ bản ở trường là tốt song không phải ỷ thế là tất cả. Hơn hết là năng khiếu, có đam mê và phải chăm chỉ rèn luyện. Cũng có những hoạ sĩ tự học mà không qua trường lớp nhưng họ vẽ rất đẹp và thành danh vì tất cả gốc là năng khiếu, sự đam mê và rèn luyện.
Cảm ơn hoạ sĩ và chúc hoạ sĩ luôn giữ được niềm đam mê và tạo nên những tác phẩm tuyệt vời!