UBND quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết đơn vị đang xin ý kiến các cơ quan liên quan nhằm hoàn thiện phương án triển khai dự án chỉnh trang tuyến phố Nguyễn Chí Thanh đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hè đường, cây xanh, chiếu sáng…
"Theo đó, quận đang kiến nghị cơ quan có thẩm quyền của thành phố cho phép di chuyển khoảng 80 cây hoa sữa ở phố Nguyễn Chí Thanh, thay thế bằng các cây khác phù hợp hơn… để hạn chế mùi hương đậm đặc của hoa sữa, hạn chế ảnh hưởng đến đời sống người dân" – Đại diện Ban Quản lý dự án quận Đống Đa cho biết.
Cũng theo Đại diện Ban Quản lý dự án quận Đống Đa thì sau khi đánh chuyển, 80 cây hoa sữa sẽ được di chuyển về trồng tại các công viên, vườn hoa do UBND quận Đống Đa quản lý.
Liên quan đến các nội dung trên, Sở Xây dựng Hà Nội lưu ý, chính quyền sở tại cần xây dựng tiến độ thực hiện, tính khả thi khi áp dụng quy trình kỹ thuật trong việc dịch chuyển các cây hoa sữa có khối lượng lớn, khả năng bảo tồn và chăm sóc cây sau dịch chuyển.
Đặc biệt, theo Sở Xây dựng, việc dịch chuyển, chặt hạ cây xanh là "vấn đề nhạy cảm, phức tạp, được dư luận, người dân quan tâm" nên cơ quan này đề nghị UBND quận Đống Đa thông tin rộng rãi để việc trồng, thay thế cây hoa sữa bằng loại cây khác được dư luận, người dân ủng hộ.
Trước đề xuất di dời cây hoa sữa vào các công viên, vườn hoa do UBND quận Đống Đa quản lý, Sở Xây dựng lưu ý cần xem xét, đánh giá về mật độ cây trồng cho phù hợp, tránh mùi hoa sữa tỏa nồng nặc sau khi trồng.
Trường hợp cây hoa sữa có khối lượng lớn, không thể bố trí trồng lại trong các công viên, vườn hoa trên địa bàn thì đề nghị UBND quận Đống Đa chủ động liên hệ với Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật thành phố Hà Nội để thống nhất vị trí trồng cố định và chăm sóc tại khu vực vùng ảnh hưởng bán kính 500m ở Khu xử lý chất thải Xuân Sơn.
Đáng chú ý, Sở Xây dựng cho rằng, để tăng hiệu quả sử dụng cây xanh, tạo cảnh quan xanh và tránh lãng phí trong quá trình thực hiện, đề nghị UBND quận Đống Đa nghiên cứu phương án không dịch chuyển cây Lát hoa để trồng thay thế bằng cây Hoa ban.
Tiếp xúc với phóng viên, bà Vi Thị Hoa sinh sống trên phố Nguyễn Chí Thanh cho biết: “Cứ khoảng tháng 10 hàng năm khi cây hoa sữa bắt đầu nở rộ thì chỉ cần mở cửa ra là thấy mùi hoa sữa nồng nặc, không thể thở nổi. Những hôm hoa nở nhiều, tôi cảm thấy đau đầu, chóng mặt, buồn nôn. Cuộc sống của cả gia đình bị đảo lộn vì mùi hoa sữa".
Trước đó, vào tháng 7/2019, trước phản ánh của nhân dân về mùi hoa sữa tỏa hương khiến môi trường sống của người dân bị ảnh hưởng, UBND quận Tây Hồ, Hà Nội cũng đã đánh chuyển hơn 100 cây hoa sữa từ đường Trích Sài (Tây Hồ) lên trồng tại bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội) để… khử mùi.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trên địa bàn thành phố có khoảng 211.470 cây bóng mát, trong đó khu vực 12 quận có 149.075 cây, với các loài chủ yếu: Xà cừ (khoảng 8.000 cây); phượng (khoảng 12.500 cây); muồng (khoảng 7.000 cây); sấu (khoảng 22.000 cây); bằng lăng (khoảng 13.500 cây)... Trong số này, có khoảng 20% cây bóng mát có tuổi đời 80-100 năm.
Để bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh, cũng như góp phần làm đẹp cảnh quan đô thị, theo lãnh đạo Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, cần thiết phải xây dựng đề án bảo tồn và phát triển hệ thống cây xanh. Trong đó, có phương án chăm sóc đặc biệt các cây di sản, “có tuổi” (cây có đường kính trên 50cm); nên xem xét thu hồi, thay thế cây già cỗi nguy hiểm, cây có tuổi thọ ngắn (phượng, muồng - tuổi thọ trung bình 40-50 năm). Đồng thời, xem xét đưa công nghệ mới (máy siêu âm, khoan rút lõi…) để phát hiện cây nguy hiểm khó phát hiện bằng cảm quan, từ đó chủ động chặt hạ nhằm bảo đảm an toàn.
Nguyễn Cường - Ngạc Hiệp