Theo công bố từ Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2022, cả nước có 194.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 33,2% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân một tháng có 17.700 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Cũng trong 11 tháng qua, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 132.300 doanh nghiệp, tăng 24,3%. Như vậy, bình quân một tháng có 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Cục Quản lý Đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, tình hình kinh tế thế giới đã và đang có nhiều biến động phức tạp như giá năng lượng, hàng hóa cơ bản tăng mạnh, chuỗi cung ứng gián đoạn, lạm phát tăng cao tại nhiều quốc gia, đối tác lớn của nước ta; xung đột Nga - Ukraine khiến xu hướng mua sắm của người tiêu dùng trên thế giới giảm mạnh..., tác động đến quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới sau hơn 2 năm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Những diễn biến trên khiến cộng đồng doanh nghiệp đối mặt với khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, thiếu hụt nguồn tiền cho việc khôi phục sản xuất, duy trì hoạt động kinh doanh... Vì vậy, nhiều doanh nghiệp phải lựa chọn giải pháp tạm ngừng hoạt động hoặc giải thể.
Cũng theo kết quả tổng hợp của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV), doanh nghiệp ở hầu hết ngành hàng đều nhận định rằng, hoạt động xuất, nhập khẩu trong nửa cuối quý 4/2022 và đầu năm 2023 sẽ gặp rất nhiều khó khăn so với quý 3/2022. Các đơn hàng năm 2023 với nhiều ngành xuất khẩu chủ lực dự kiến sụt giảm nghiêm trọng, đặc biệt ngành dệt may, da giày, nội thất, nhôm công nghiệp, sắt thép, xi măng...
Trước tình thế nêu trên, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban IV đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ cần sớm tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp tiếp tục phục hồi và phát triển.
Trong đó, Ban IV đề nghị Chính phủ tập trung vào một số giải pháp như cần khẩn trương tiến hành các cuộc bàn tròn công - tư nhằm phân tích giải pháp tối ưu thị trường, tìm kiếm thị trường thay thế hoặc bổ sung trong bối cảnh một số thị trường truyền thống của cả nhập khẩu, xuất khẩu đều gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt cần chú trọng phân tích các xu hướng và yêu cầu mới sẽ phát sinh ở các thị trường, đặc biệt xu hướng thiết lập các hàng rào kĩ thuật gắn với mục tiêu xanh hóa, giảm phát thải do các liên minh xanh đang thúc đẩy trên phạm vi toàn thế giới.
Bên cạnh đó, để hỗ trợ nỗ lực phục hồi của doanh nghiệp, đặc biệt với doanh nghiệp tư nhân trong nước trong bối cảnh doanh nghiệp đối diện với khó khăn rất lớn về dòng tiền, đề xuất Chính phủ xem xét kéo dài tới hết năm 2023 một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã phát huy hiệu quả thiết thực trong giai đoạn đại dịch Covid-19.
Ngoài ra, với việc duy trì niềm tin của doanh nghiệp vào môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam, đề xuất Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc, thực chất quy trình tham vấn, lấy ý kiến của doanh nghiệp khi xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật liên quan, không chỉ lấy ý kiến một vài đơn vị mang tính đại diện; đồng thời tập trung rà soát, cải thiện, đẩy mạnh trực tuyến hóa một số nhóm quy trình, thủ tục có tần suất thực hiện lớn và có ảnh hưởng tới hầu hết doanh nghiệp...
Theo Chất lượng Việt Nam