Gìn giữ nghề làm ghế mây truyền thống của người Dao đầu bằng

Bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) nằm ở độ cao 1.500m có 63 hộ dân đồng bào Dao đầu bằng sinh sống. Nền kinh tế của đồng bào chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và nghề thủ công truyền thống, một trong số đó là nghề làm ghế mây.

Chị Tẩu Thị Nhân, 46 tuổi cho biết: Chiếc ghế mây cũng giống như một người bạn đồng hành không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt hàng ngày của bà con đồng bào Dao đầu bằng từ xưa đến nay. Tuy nhiên, dưới tác động của nền kinh tế thị trường đầu ra và nguồn nguyên liệu sản xuất dần bị thu hẹp nên hầu hết bà con đã bỏ nghề hoặc chỉ làm để dùng trong gia đình.

Hiện nay, số hộ làm nghề ở bản Sì Thâu Chải chỉ đếm trên đầu ngón tay, phần vì do nguồn cây mây ngày càng hiếm, không thể trồng mà chỉ có ở trên rừng. Không những vậy, nghề làm ghế mây lại đòi hỏi sự khéo léo, chuẩn xác và tỉ mỉ trong từng công đoạn, chỉ cần sai sót là phải bỏ đi toàn bộ chiếc ghế. Do đó,  phải người đã có kinh nghiệm lâu năm mới có thể làm ra được thành phẩm ghế mây chắc chắn.

Chị Nhân vót mây làm mặt ghế 

Theo tìm hiểu của phóng viên, cách tạo khung xương ghế mây của đồng bào Dao đầu bằng cũng vô cùng đặc biệt. Phần thân mây sẽ hơ qua lửa đỏ, được uốn thành hình tròn có đường kính 25cm và 30cm vào một thanh gỗ rồi đem đi đốt dưới lửa để tạo khuôn; sau 3-4 ngày, khung xương ghế đã hoàn thiện. 

2 khung mây sẽ được dùng những thanh gỗ dài 20-30 chắc thịt vót nhẵn gắn kết với nhau; chiều cao sẽ tuỳ vào yêu cầu của người mua. Phần nan đan ghế được chẻ dọc theo chiều dài của cây mây rồi buộc thành từng bó treo trên bếp. Điều này sẽ tạo màu vàng óng và độ bền của ghế khi sử dụng. Mây dùng làm khung và mây đan là hai loại có độ dẻo khác nhau. Nếu chọn sai loại mây, ghế sẽ không còn chắc chắn và bền. 

Ở công đoạn đan mặt ghế cũng khá phức tạp, tùy vào độ cứng của nan mây để đan theo nong 3 hoặc nong 4 phụ thuộc vào khả năng, thẩm mỹ của người làm miễn sao mặt ghế khít; bền tạo cảm giác êm và thoải mái. Một chiếc ghế mây có tuổi thọ khoảng 20 năm có giá từ 100.000 - 150.000 đồng/chiếc. 

Vòng mây được treo lên bếp cho tới khi vàng óng 
Ghế mây vẫn được đồng bào Dao đầu bằng sử dụng hằng ngày trong cuộc sống 

Một người làm nghề lâu năm cũng chỉ làm được nhiều nhất 10 chiếc/tuần, cao điểm sẽ có thể tăng gấp đôi số lượng. Nhìn tổng thể, chiếc ghế mây của người Dao đầu bằng giống như một ngôi nhà, các chân đỡ đại diện cho từng người trong gia đình, mặt ghế là mái che; ngụ ý nói sự đoàn kết của tất cả mọi người mới đem lại sự hạnh phúc, êm ấm. 

Cũng bởi vì số lượng người làm ghế mây ngày càng ít dẫn đến sự mai một của nghề. Chị Nhân cũng như người lớn tuổi trong làng vẫn đang ngày ngày nỗ lực gìn giữ nghề của cha ông, ngay cả con trai, con gái của chị cũng đã biết làm. Chị Nhân bày tỏ: “Nếu không ai biết làm thì nghề sẽ mất, nên đời trước phải dạy đời sau, sao cho nghề đan ghế còn sống mãi. Ghế mây - hiện thân không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn là nét đẹp văn hóa, minh chứng cho đôi bàn tay khéo léo của đồng bào Dao đầu bằng"....

Nói về nghề làm ghế mây truyền thống của người Dao đầu bằng, ông Trần Mạnh Hùng - Phó Giám đốc Sở văn hoá, Thể thao và Du lịch Lai Châu cho biết: Tỉnh Lai Châu cũng đã có những giải pháp để hỗ trợ, bảo tồn nghề đan ghế mây truyền thống thông qua các lớp truyền dạy nghề thủ công truyền thống. Công tác bảo tồn những giá trị tốt đẹp của người Dao đầu bằng đã và đang ngày càng được quan tâm, chú trọng. Việc này sẽ góp phần gìn giữ, bảo tồn truyền được nghề tới thế hệ trẻ và củng cố thế hệ kế cận nghề đan ghế mây truyền thống của dân tộc Dao đầu bằng.