Giá nhà vượt lên mức chi trả của nhiều người
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA cho rằng, bối cảnh thực tiễn và các quy định hiện hành đang đặt ra vấn đề nếu xây dựng nhà ở xã hội với việc chi phí tạo lập quỹ đất (dù được miễn tiền sử dụng đất) và chi phí đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án phân bổ cho diện tích đất nhà ở xã hội (đối với dự án nhà ở xã hội hình thành trên quỹ đất 20% diện tích dự án nhà ở thương mại) là rất cao.
“Với việc chi phí đầu vào cao sẽ dẫn đến giá thành, giá bán căn hộ tại TP. HCM có thể lên đến mức xấp xỉ 40 triệu đồng/m2”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
“Mức giá 40 triệu đồng/m2 nhà ở xã hội sẽ vượt quá khả năng tài chính của đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội. Bên cạnh đó, nếu nhà ở xã hội ở ngay cạnh nhà ở thương mại thì người mua nhà ở xã hội ở các dự án còn phải chịu chi phí quản lý, dịch vụ hàng tháng cao do cùng sinh sống trong khu vực nhà ở cao cấp, trung cấp”, ông Châu nói.
Từ tính toán trên, ông Châu cho rằng không bỏ quy định dành 20% quỹ đất bắt buộc tại các dự án nhà ở thương mại, chắc chắn rất nhiều người dân sẽ không có khả năng mua nhà do vượt quá thu nhập tích lũy.
Cũng theo ông Lê Hoàng Châu, vừa qua, HOREA cũng đã có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số quy định của Dự thảo Luật Nhà ở để thực hiện mục tiêu phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030.
Theo đó, HoREA đánh giá việc Dự thảo Luật Nhà ở đang được lấy ý kiến đóng góp bỏ quy định yêu cầu bắt buộc chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô diện tích từ 10 héc-ta (hoặc 2 héc-ta) phải dành 20% quỹ đất để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong dự án. Thay vào đó, bổ sung quy định việc bố trí quỹ đất phát triển nhà ở xã hội là trách nhiệm của UBND cấp tỉnh là hợp lý.
Theo HOREA, việc bỏ quy định trên là hợp lý góp phần giải quyết tình trạng giá nhà ở xã hội đang ở mức rất cao so với thu nhập người lao động, trung bình trên 15 triệu đồng/m2, có nơi 21-25 triệu/m2 và không phải dự án nhà ở thương mại nào cũng phù hợp để xây dựng nhà ở xã hội, nhất là tại các dự án nhà ở cao cấp, trung cấp.
“Tình trạng giá nhà đất tăng liên tục trong 5 năm qua cho thấy, chỉ số giá nhà ở của Việt Nam cao gấp hơn 20 lần so với thu nhập trung bình của xã hội, khiến nhiều hộ gia đình và cá nhân khó tạo lập được nhà ở mới”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.
Thực tế tại TP. HCM cho thấy, cả năm 2022 chỉ có 1 dự án nhà ở xã hội được hoàn thành và đưa vào sử dụng là dự án Khu nhà ở xã hội Bình Trưng Đông tại thành phố Thủ Đức. Giá nhà ở xã hội tại TP.HCM cũng đang ở mức cao, có xu hướng tiệm cận với giá nhà ở thương mại.
Liên quan đến quỹ đất 20%, mới đây Bộ Xây dựng đã được Chính phủ giao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở năm 2014 (trong đó có nội dung về quỹ đất phát triển nhà ở xã hội nhằm xử lý triệt để những bất cập liên quan đến quỹ đất 20% để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị), dự kiến trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5/2023 và thông qua tại kỳ họp tháng 10/2023.
Doanh nghiệp thiếu tiền mặt, giảm thanh khoản
Cụ thể hơn về những vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay, ông Châu cho biết, hiện tình trạng thiếu tiền mặt của doanh nghiệp, tình trạng bị giảm thanh khoản, thậm chí có doanh nghiệp bị mất thanh khoản không phải chỉ xảy ra ở doanh nghiệp nhỏ và kể cả những doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng đang gặp phải. Nguyên nhân là giao dịch trên thị trường bất động sản bị sụt giảm, thậm chí không có giao dịch nên không huy động được nguồn vốn của khách hàng.
“Chẳng những doanh nghiệp khó tiếp cận tín dụng, kể cả người mua nhà, nhà đầu tư cũng khó tiếp cận tín dụng. Thậm chí, có những hoàn cảnh trớ trêu là ngân hàng đã ký hợp động tín dụng rồi nhưng dừng giải ngân khiến cả doanh nghiệp và khách hàng đều gặp khó khăn lớn” ông Châu nói.
Do đó, ông Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước quan tâm chỉ đạo tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, bởi vì ngày 5/12 mới công bố nới room tín dụng lên 1,5-2% nhưng thực chất, đến hết 31/12/2022, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có thể mức tăng trưởng tín dụng toàn năm 2022 chỉ đạt 14,5%.
Điều đó có nghĩa còn khoảng 1,5-2% mà trần tín dụng được nới room không được đưa vào nền kinh tế. Điều này nghĩa là sử dụng nguồn vốn không được kịp thời, không được hỗ trợ cho nền kinh tế như kỳ vọng của Chính phủ.
Mặc dù vậy, theo ông Châu, ở đây cũng có trách nhiệm của doanh nghiệp vì doanh nghiệp là người sử dụng vốn. Hiện nay khó khăn có những nguyên nhân do cơ chế, chính sách và Nhà nước đang tháo gỡ nhưng cũng có nguyên nhân do đầu tư dàn trải của doanh nghiệp do không lượng sức mình.
Cũng có nguyên nhân là doanh nghiệp cơ cấu sản phẩm không phù hợp với thị trường. Do đó, đề nghị doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm để cùng tham gia với Nhà nước cùng với khách hàng, người chủ trái phiếu của mình để tìm giải pháp.
“Đứng từ phía doanh nghiệp, chúng ta giảm kỳ vọng lợi nhuận, cùng thực hiện được các giải pháp như thời gian vừa qua, chẳng hạn giảm giá bán 45- 50%, chiết khấu sâu, chuyển đổi trái phiếu… thậm chí sẵn sàng bán, chuyển nhượng những dự án không đủ sức đầu tư tiếp để có thể cơ cấu lại, tái cấu trúc lại doanh nghiệp, tái cơ cấu lại đầu tư”, Chủ tịch HoREA nói.
Bên cạnh đó, ông Châu mong nhà đầu tư, người mua nhà cùng hợp lực với nhau để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản chứ không chỉ đứng từ góc độ Nhà nước, doanh nghiệp. Cả nhà đầu tư, khách hàng mua nhà cùng tham gia hợp tác với nhau theo tinh thần tìm điểm cân bằng về lợi ích giữa các bên.
Đầu tư Tài chính