Hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings vừa thông báo nâng xếp hạng đối với loạt ngân hàng tại Việt Nam sau khi nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia của nước ta từ BB lên BB+ và đánh giá tích cực về triển vọng nền kinh tế trong dài hạn.
Theo đó, 8 ngân hàng tại Việt Nam, gồm: Vietcombank, VietinBank, ACB, MBBank, Agribank, Standard Chartered Việt Nam, HSBC Việt Nam và ANZ Việt Nam đã được Fitch nâng xếp hạng.
Cụ thể, với 3 ngân hàng thương mại nhà nước, gồm: Vietcombank, Agribank và VietinBank, Fitch Ratings đã nâng xếp hạng mặc định của nhà phát hành dài hạn (IDR) của các ngân hàng này từ mức BB lên BB+ với triển vọng IDR ổn định, cùng với đó là nâng mức Xếp hạng hỗ trợ của Chính phủ (GSR) từ mức BB lên BB+.
Với ngân hàng MBBank, Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của MB từ mức BB- lên BB với triển vọng IDR ổn định và nâng mức GSR từ mức BB- lên BB. Trong khi đó, Fitch Ratings duy trì xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của ngân hàng ACB ở mức BB- với triển vọng IDR ổn định và nâng mức GSR từ mức B+ lên BB-.
Fitch Ratings cũng đã xếp hạng Khả năng tồn tại (Viability Rating - VR) của ngân hàng Vietcombank và ngân hàng ACB ở mức BB-; ngân hàng Agribank và VietinBank ở mức B; MBBank ở mức B+.
Đối với 3 ngân hàng 100% vốn nước ngoài gồm HSBC Việt Nam, ANZ Việt Nam và Standard Chartered Việt Nam, Fitch Ratings nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) từ mức BB lên BB+ với triển vọng IDR ổn định và nâng xếp hạng nợ trong nước dài hạn từ mức BBB- lên BBB.
Fitch cho biết, việc nâng xếp hạng của các ngân hàng thương mại phản ánh quan điểm đánh giá khả năng cải thiện của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ các ngân hàng trong hệ thống. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam mạnh mẽ đang góp phần củng cố và thúc đẩy những cải thiện bền vững về cơ cấu tín dụng.
Trước đó, vào ngày 8/12, Fitch Ratings đã nâng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ BB lên mức BB+ với triển vọng “ổn định”; nâng xếp hạng nhà phát hành nợ dài hạn và trần đánh giá tín nhiệm quốc gia của Việt Nam từ BB lên BB+. Trong đó, triển vọng của xếp hạn nhà phát hành nợ dài hạn ở mức "ổn định".
Hành động này phản ánh đánh giá tích cực hơn của Fitch về triển vọng tăng trưởng trong trung hạn của Việt Nam. Triển vọng trên được củng cố bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ, qua đó thúc đẩy những cải thiện bền vững về cơ cấu tín dụng.
Theo đánh giá của Fitch Ratings, những trở ngại kinh tế trong ngắn hạn do căng thẳng trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu quốc tế suy yếu… khó có thể ảnh hưởng đến triển vọng vĩ mô trung hạn. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ được kỳ vọng đủ để kiềm chế rủi ro trong ngắn hạn. Đồng thời, hãng xếp hạng tín nhiệm này dự báo tăng trưởng dài hạn của Việt Nam ở mức 7%/năm.
Liên quan đến nâng hạng tín nhiệm của các ngân hàng, ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá: “Với các quốc gia đang phát triển việc tiếp cận vốn vay và lãi suất đi kèm là rất quan trọng. Khi Việt Nam nâng hạng được tín nhiệm, chi phí vay giảm đi, nền kinh tế sẽ giảm gánh nặng thanh toán, cũng như dành thêm nguồn lực cho tăng trưởng. Do vậy, Việt Nam cần tiếp tục nâng cao hiệu quả tài chính công, phân bổ quản lý nguồn lực công”.
Bà Sagarika Chandre, Giám đốc Đánh giá tín nhiệm quốc gia Fitch Ratings, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: “Các phân tích nhận thấy dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã dần cải thiện sau mức giảm mạnh trong năm ngoái và được dự báo cải thiện 2 năm tiếp theo. Điều này phản ánh sự quay lại của dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh mẽ vào Việt Nam từ nửa cuối năm nay”.
Theo Fitch Ratings, Việt Nam đang có lợi thế thu hút dòng vốn FDI nhờ triển vọng đầu tư thời gian qua, cũng như lợi thế về thương mại thông qua hệ thống các hiệp định thương mại tự do. Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất toàn cầu gắn với công nghệ đang diễn biến nhanh hơn trong bối cảnh thế giới đang nhiều biến động càng khiến Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư.