Ngày 8/12, cơ quan xếp hạng Fitch Ratings thông báo đã nâng hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn bằng ngoại tệ (Long-term Issuer default ratings - IDR) của Việt Nam từ mức BB lên BB+, với triển vọng ổn định.
Theo Fitch, "việc nâng hạng phản ánh triển vọng tăng trưởng trung hạn thuận lợi của Việt Nam, được củng cố bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mạnh mẽ". Cơ quan này cũng kỳ vọng nguồn FDI của Việt Nam tăng trưởng trong thời gian tới sẽ tiếp tục củng cố các chỉ số tín dụng.
Dữ liệu từ các cơ quan chính phủ cho thấy, các dự án FDI đã giải ngân khoảng 22,4 tỷ USD (6% GDP) tính đến ngày 20/12/2022, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Quan hệ ngoại giao với Mỹ đã được nâng cấp lên quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9, điều này có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại và FDI của Mỹ.
Bên cạnh đó, theo Fitch, dự trữ ngoại hối của Việt Nam cải thiện khiêm tốn, lên 89 tỷ USD vào cuối tháng 9 năm 2023, sau khi giảm mạnh vào năm 2022. Điều này phần nào phản ánh sự quay trở lại của dòng vốn và thặng dư thương mại lớn hơn.
Cơ cấu nợ nước ngoài của Việt Nam vẫn thuận lợi do phần lớn nợ là nợ song phương và đa phương. Điều này dẫn đến gánh nặng trả nợ nước ngoài thấp hơn và hỗ trợ tỷ lệ thanh khoản bên ngoài cao.
Tuy nhiên, Fitch nhận định sự yếu kém trong lĩnh vực bất động sản và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm hơn đã làm giảm nhu cầu vay vốn. Một số công ty có đòn bẩy tài chính cao phải đối mặt với rủi ro tái cấp vốn khi đến hạn.
“Nhiều ngân hàng đã không giảm đáng kể hoạt động cho vay bất động sản hoặc nắm giữ trái phiếu, cho thấy rằng họ sẽ tái cấp vốn cho những người đi vay đủ điều kiện để tránh dẫn đến tình trạng vỡ nợ và thua lỗ trên diện rộng hơn”, báo cáo của Fitch cho biết.
Mặc dù vậy, Fitch Ratings cho rằng những trở ngại kinh tế ngắn hạn, bao gồm khó khăn trong lĩnh vực bất động sản, nhu cầu yếu, tiến trình chống tham nhũng,... khó ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô Việt Nam trong trung hạn, đồng thời các biện pháp xử lý của chính phủ có thể giải quyết các rủi ro trong ngắn hạn.
Cơ quan xếp hạng này dự báo tăng trưởng trung hạn của Việt Nam khoảng 7% nhờ khả năng cạnh tranh về chi phí, lực lượng lao động có trình độ và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do khu vực và toàn cầu của đất nước, thúc đẩy đầu tư nước ngoài tiếp tục mạnh mẽ trong bối cảnh đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu.
Về tình hình nợ công, Fitch Ratings dự báo tỷ lệ nợ chính phủ/GDP nói chung sẽ ổn định ở mức khoảng 38%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 'BB'. Dự báo thâm hụt ngân sách trung bình khoảng 4,3% GDP trong giai đoạn 2024-2025, tăng từ mức ước tính 4,1% GDP vào năm 2023.