Duyên nợ giữa Bac A Bank và TH Group

Báo cáo tài chính của Bac A Bank từ giai đoạn 2011-2020 cho thấy ngân hàng không ngừng góp vốn vào các doanh nghiệp “họ” TH.

Bac A Bank và những lần 3 năm

Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank - HNX: BAB) được thành lập năm 1994 với Hội Sở Chính đặt tại Nghệ An. Ngân hàng hướng đến tư vấn đầu tư cho nhóm dự án đặc thù như: Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa công nghệ cao; Sản xuất nước hoa quả, nước tinh khiết; Dược liệu và Thực phẩm chức năng; Mía đường, Sản xuất gạo và rau quả; Phát triển rừng bền vững; Giáo dục; Y tế và chăm sóc sức khỏe…

Bắt đầu giao dịch cổ phiếu tại UPCoM từ cuối tháng 12/2017, sau hơn 3 năm, cổ phiếu của Bac A Bank đã chính thức dừng giao dịch tại hệ thống này và chuyển sang niêm yết trên sàn HNX. Tháng 01/2021, cổ phiếu Bac A Bank chính thức được niêm yết 708,5 triệu cổ phiếu phổ thông với mã chứng khoán BAB.

Sau 30 năm hoạt động, từ số vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng, Bac A Bank đã mở rộng quy mô vốn lên gấp nhiều lần. Dù vậy, ngân hàng vẫn khá chật vật khi mất tới 3 năm từ 2022 đến 2024 để thực hiện tăng vốn điều lệ vượt mốc 9.000 tỷ đồng.

Cụ thể, trong năm 2022, Bac A Bank đã dự kiến tăng vốn điều lệ từ 7.531 tỷ đồng lên 9.354 tỷ đồng, tương ứng tăng thêm 1.822 tỷ đồng qua việc phát hành 60 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông và chào bán 122 triệu cổ phiếu tỉ lệ 15% với giá dự kiến 15.000 đồng/cổ phiếu.

Đến năm 2023, ngân hàng này tiếp tục có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 9.855 tỷ đồng bằng cách phát hành 62,5 triệu cổ phần phổ thông để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 7,5% trên tổng số cổ phần đang lưu hành và chào bán thêm tối đa hơn 89,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 10%.

 

Dù vậy, sau 2 năm, vốn điều lệ của Bac A Bank mới chỉ dừng lại ở mức 8.959 tỷ đồng. Bước sang năm 2024, Bac A Bank dự kiến chào bán thêm tối đa hơn 89,5 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 10% nhằm tăng vốn lên 9.855 tỷ đồng, vẫn thuộc top 10 những ngân hàng có quy mô vốn điều lệ thấp nhất hệ thống.

Điều đáng chú ý là cơ cấu cổ đông của ngân hàng này khi không ghi nhận cổ đông lớn nào từ thời điểm lên sàn UPCoM vào năm 2017 đến nay.

Theo đó, tại báo cáo thường niên năm 2023, Bac A Bank có tổng cộng 1.440 cổ đông, trong đó cổ đông cá nhân là 1.428, chiếm 96,4%. Chỉ có 12 tổ chức chiếm tỉ lệ 3,6% vốn tại ngân hàng. 

Tại báo cáo quản trị năm 2023, cá nhân đang nắm giữ nhiều cổ phiếu nhất tại Bac A Bank hiện đang là bà Thái Hương - Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc với hơn 37,9 triệu cổ phiếu, tương đương gần 4,6% vốn.

Năm 2013, bà Hương thậm chí sở hữu 6,998% vốn tại Bac A Bank. Tuy nhiên sau đó, bà đã thoái bớt vốn để đảm bảo mỗi cổ đông là cá nhân chỉ được nắm giữ không quá 5% vốn điều lệ của một ngân hàng theo quy định tại Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010.

Ngoài nắm giữ chức vụ tại Bac A Bank, đến nay, bà Thái Hương còn là Nhà sáng lập và Chủ tịch Hội đồng Chiến lược của Tập đoàn TH, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với thương hiệu TH True Milk.

Trước đó, bà Hương là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH. Tuy nhiên, năm 2017, Luật các TCTD Sửa đổi, bổ sung quy định, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc (Giám đốc) của tổ chức tín dụng không được đồng thời là Chủ tịch HĐQT, thành viên HĐQT, Chủ tịch HĐTV, thành viên HĐTV, Chủ tịch công ty, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác. 

Bà Thái Hương theo đó rời ghế Chủ tịch Tập đoàn TH, lựa chọn tiếp tục làm Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Bac A Bank. 

Một thời gắn bó với các doanh nghiệp “họ” TH 

Trong những năm bà Hương đảm nhiệm vị trí lãnh đạo tại Bac A Bank và TH True Milk, sợi dây liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp này không ngừng nối dài. 

Năm 2009, Tập đoàn TH được thành lập dưới sự tư vấn của Bac A Bank. Năm 2010, BacABank tham gia tư vấn đầu tư cho Dự án Chăn nuôi bò sữa và Chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An của TH True Milk với quy mô 37 nghìn ha, vốn đầu tư 1,2 tỷ đồng USD.

Không chỉ dừng lại ở đó, trong phần tư vấn đầu tư, tất cả các dự án mà Bac A Bank giới thiệu đều có liên quan đến TH như Dự án Dược liệu sạch và Hương liệu sạch tự nhiên TH thuộc CTCP Dược liệu TH (TH Herbals) với tổng mức đầu tư 22.630 tỷ đồng hay dự án Giáo dục Quốc tế TH School với quy mô đầu tư 1.000 tỷ đồng… 

Tài chính - Ngân hàng - Duyên nợ giữa Bac A Bank và TH Group

Danh mục tư vấn đầu tư trên website của Bac A Bank.

Tại báo cáo tài chính của Bac A Bank từ giai đoạn 2011-2014 cũng thể hiện việc ngân hàng không ngừng đầu tư, góp vốn vào các doanh nghiệp “họ” TH.

Theo đó năm 2011, vốn góp của Bac A Bank  vào CTCP Đầu tư giáo dục TH là 2 tỷ đồng, CTCP Thực phẩm sữa TH (TH True Milk) là 253 tỷ đồng, CTCP Lâm nghiệp Tháng Năm 30 tỷ đồng…

Năm 2014, Bac A Bank nâng sở hữu tại Đầu tư giáo dục TH lên 5,8 tỷ đồng, CTCP Lâm nghiệp Tháng Năm lên 40,5 tỷ đồng và vẫn còn nắm 253 tỷ đồng, tương đương tỉ lệ 7% vốn tại TH True Milk. Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, Bac A Bank đã thoái hết vốn khỏi TH True Milk.

Năm 2016, Bac A Bank nâng vốn rót vào CTCP Lâm nghiệp Tháng Năm lên 68 tỷ đồng. Dù vậy, năm 2020, báo cáo tài chính của Bac A Bank cho thấy ngân hàng cũng đã thoái vốn khỏi công ty này. 

Tại thông báo kết luận thanh tra về trách nhiệm của Ngân hàng nhà nước Việc Nam và các TCTD trong việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và Đề án xử lý nợ xấu giai đoạn 2013-2017, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, theo báo cáo của BacABank, tại ngày 31/12/2017, nợ xấu chiếm tỉ lệ 0,62%, tương ứng 427,7 tỷ đồng, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý thì tỉ lệ nợ xấu là 2,1%, tương ứng 1.030 tỷ đồng. Đến 30/6/2018, nợ xấu là 452 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ 0,68%, nếu tính cả nợ bán cho VAMC chưa xử lý thì tỉ lệ nợ xấu là 1,54%, tương ứng 1.034 tỷ đồng.

Kiểm tra hồ sơ cấp tín dụng của 11 khách hàng với tổng dư nợ tại thời điểm 31/8/2018 là 6.626 tỷ đồng, chiếm 11% tổng dư nợ của ngân hàng. Trong đó, có 1 khách hàng đã bán nợ cho VAMC (Công ty TNHH Hùng Vương Huế), 1 khách hàng được cơ cấu giữ nguyên nợ nhóm 1 (CTCP Sông Lam Nghệ An) và 9 khách hàng nợ nhóm 1.

Kết quả, Bac A Bank đã sai phạm trong việc thẩm định điều kiện cho vay vốn, khách hàng chưa đáp ứng đầy đủ điều kiện về tính khả thi, hiệu quả của dự án khi phê duyệt cho vay; chưa đáp ứng điều kiện “có khả năng tài chính để trả nợ” theo quy định; 

Cho vay đối với khách hàng thuộc đối tượng hạn chế cho vay theo quy định của ngân hàng (Công ty TNHH Hùng Vương Huế); xác định thời hạn cho vay, phương thức trả nợ chưa phù hợp với tình hình dự án (CTCP Dược liệu TH). Ngân hàng cũng cho vay thực hiện dự án theo hình thức cho vay từng lần, khó khăn trong việc theo dõi vốn tự có tham gia dự án (CTCP Đầu tư phát triển nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An).

Trong đó, có một số khách hàng âm vốn chủ sở hữu như CTCP Sữa TH; CTCP chuỗi thực phẩm TH; Công ty TNHH XNK công nghệ xanh quốc tế;… Đáng chú ý, nhiều khách hàng Bac A Bank cho vay mà Thanh tra Chính phủ chỉ ra là các doanh nghiệp trong “gia phả” nhà TH như: CTCP Thực phẩm sữa TH; CTCP Sữa TH; CTCP Dược liệu TH…

Theo báo cáo của NHNN, đến thời điểm 10/10/2021 có 05/11 khách hàng đã tất toán; 01 khách hàng bán nợ VAMC (Công ty TNHH Hùng Vương Huế); 04 khách hàng còn dư nợ: CTCP Sông Lam Nghệ An, dư nợ 247 tỷ đồng, nợ nhóm 5; CTCP Dược liệu TH, dư nợ: 85 tỷ đồng, nợ nhóm 1; 

CTCP đầu tư phát triển nguyên liệu vùng đông bắc Nghệ An, dư nợ: 217 tỷ đồng, nợ nhóm 1; CTCP Thực phẩm sữa TH, dư nợ: 91 tỷ đồng, nợ nhóm 1; Công ty TNHH XNK công nghệ xanh quốc tế, dư nợ: 175 tỷ đồng, nợ nhóm 1.

Nợ xấu

Về tình hình kinh doanh, từ khi lên sàn UPCoM vào năm 2017 đến nay, Bac A Bank luôn duy trì kết quả kinh doanh ổn định, lợi nhuận tăng lên qua từng năm. 

Theo đó, mức lãi của ngân hàng tịnh tiến từ 602 tỷ đồng năm 2017 lên mức 854 tỷ đồng trong năm 2023. Duy chỉ có năm 2022, Bac A Bank ghi nhận mức lợi nhuận đi lùi do dịch bệnh Covid-19 gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.

 Kết thúc quý I/2024, Bac A Bank công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 với điểm sáng là nguồn thu chính thu nhập lãi thuần đạt 812,7 tỷ đồng, tăng 41% so với năm trước. 

Tuy nhiên, các hoạt động kinh doanh ngoài lãi của ngân hàng này lại cho thấy sự sụt giảm đáng kể. Nhờ thu nhập lãi thuần gồng gánh, tổng thu nhập hoạt động của Bac A Bank vẫn tăng 23,4% so với cùng kỳ năm 2023 lên gần 839 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí hoạt động của Bac A Bank tăng 41% lên 499,3 tỷ đồng. Chi phí dự phòng của ngân hàng chưa đến 1 tỷ đồng do được hoàn nhập dự phòng hơn 52 tỷ đồng. 

Kết quả, Bac A Bank báo lãi trước thuế 338,6 tỷ đồng, nhích nhẹ 1%, lãi sau thuế tương ứng đạt 270,9 tỷ đồng, tăng 0,7% so với quý I/2023. 

Về chất lượng nợ vay, tổng nợ xấu của Bac A Bank tại thời điểm cuối quý I/2024 là 1.118 tỷ đồng, tăng thêm 22,1% so với năm 2023, trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3 tăng 1,7 lần lên gần 297 tỷ đồng. Kéo theo tỉ lệ nợ xấu tăng từ 0,92% hồi cuối năm 2023 lên 1,11%.

Từ năm 2017 đến nay, nợ xấu của Bac A Bank không ngừng bành trướng. Năm 2017, tổng nợ xấu của ngân hàng ở mức 427,7 tỷ đồng, tỉ lệ nợ xấu/tổng dư nợ là 0,62%. Trong đó, nợ nhóm 3 mới chỉ ở mức 5 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sang đến năm 2018, nợ dưới tiêu chuẩn của ngân hàng tăng lên gấp 50 lần lên mức 251 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu cũng tăng từ 0,63% năm trước lên 0,76%. 

Năm 2020, nợ xấu của ngân hàng tăng lên mức 628 tỷ đồng, nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) tăng 15 lần, từ 18 tỷ đồng năm 2019 lên 271 tỷ đồng.

Tại thời điểm kết thúc năm 2023, Bac A Bank tiếp tục ghi nhận nợ xấu tăng gần gấp đôi năm trước lên 916 tỷ đồng, trong đó, nợ nhóm 3 tăng gấp 4 lần năm trước lên 170 tỷ đồng và nợ nhóm 4 tăng gần 5 lần năm 2022 lên 230 tỷ đồng. 

Kết thúc quý I/2024, nợ xấu tại Bac A Bank chính thức vượt mốc 1.000 tỷ đồng. Dù vậy, Bac A Bank vẫn nằm trong nhóm những ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu thấp. 

Năm 2024, Bac A Bank lên kế hoạch kinh doanh mục tiêu lãi trước thuế 1.100 tỷ đồng, tăng 5% so với mức thực hiện năm 2023 và tỉ lệ nợ xấu dưới 1,5%. Như vậy, kết thúc quý I/2024, ngân hàng đã thực hiện được 30,8% chỉ tiêu lợi nhuận và nợ xấu vẫn nằm trong tầm kiểm soát.