Dự báo thị trường bất động sản năm 2023 vẫn gặp khó khăn

Hiện nay, thị trường bất động sản đón nhận nhiều yếu tố tiêu cực như dòng tiền bị siết chặt, lãi suất có xu hướng tăng cao,... Nguồn vốn bất động sản suy yếu khiến giá bán cũng liên tục giảm, thanh khoản cũng "tụt dốc không phanh".

Đánh giá về thị trường bất động sản, một số chuyên gia cho rằng cuối năm nay và đầu năm 2023 thị trường tiếp tục khó khăn, trầm lắng, giao dịch chững lại, xu hướng giảm giá mạnh nhất sẽ xuất hiện ở những vùng xa trung tâm. Các yếu tố như lãi suất cho vay tăng cao, tín dụng và trái phiếu thắt chặt lại… tác động đến thị trường bất động sản. Nhà đầu tư cần nhanh chóng cơ cấu lại các khoản đầu tư. Bên cạnh đó, các khu vực mang tính đầu cơ, đã diễn ra sốt đất, giao dịch chậm lại và giá bắt đầu có xu hướng giảm. 

Liên quan đến thông tin trên, chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cho rằng, sang năm 2023, sau khi đã vượt qua đỉnh, thị trường bất động sản sẽ rớt xuống đáy nhưng đáy nào thì chưa biết vì rất khó để xác định. Có một điều chắc chắn, đã có đáy thì sẽ có đỉnh mới. Song, đỉnh mới chắc chắn sẽ không bằng đỉnh cũ và đáy mới chưa chắc đã sâu bằng đáy cũ.

"Các nhà đầu tư muốn xuống tiền trong giai đoạn hiện nay phải hết sức thận trọng, vừa dò đáy và vừa phải trèo lên đỉnh. Phải đến đầu quý III/2023 mới có thể xác định được thị trường sẽ ổn định theo cách từ từ xuống hay từ từ lên", ông Quang nhận định.

Còn theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2023, khi có room tín dụng mới sẽ giúp thị trường bất động sản sôi động hơn so với hiện tại. Dòng tiền room tín dụng mới tuy không nhiều nhưng giúp thị trường có thêm giao dịch từ người mua nhà thực và các nhà đầu tư bất động sản nhỏ lẻ.

"Hiện đang trong quá trình để sửa đổi luật liên quan tới bất động sản, một số nhà đầu tư trong thời gian này ngại xuống tiền. Đến khi sửa xong luật, khi mọi thứ đã rõ ràng mới có thể biết được thị trường tiếp tục đi theo hướng nào", ông Đính chia sẻ.

Dự báo thị trường bất động sản năm 2023 vẫn gặp khó. Ảnh minh hoạ

Còn PGS-TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, nhà đầu tư từng chờ đợi nguồn vốn từ ngân hàng. Nhưng đến hiện tại, việc nới room tín dụng gần như không giải quyết được vấn đề về vốn của thị trường. Dấu hiệu và phục hồi tăng trưởng trở lại do tâm lý của người dân vẫn coi bất động sản là kênh đầu tư tích trữ an toàn.

"Cuối năm nay và sang năm 2023, thị trường có thể sẽ phục hồi và tăng trưởng dần trở lại do quá trình sàng lọc. Từ đó, những nhà đầu tư yếu kém, vốn mỏng, thiếu chuyên nghiệp bị đẩy khỏi cuộc chơi", ông Thịnh nhận định.

Cũng liên quan đến thị trường bất động sản, trước đó TS. Cấn Văn Lực - Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, thị trường bất động sản năm 2022 có hai giai đoạn, nói vui là “đầu năm hưng phấn, giữa và cuối năm trầm lắng”.

Nguồn cung và cầu đều giảm mạnh. Câu chuyện cấp phép, câu chuyện xin các dự án mới đều giảm. Trong khi đó giá đi ngang (có giảm nhẹ với đất nền hoặc tăng nhẹ với căn hộ...). Lượng giao dịch và khả năng hấp thụ cũng giảm mạnh, doanh thu sụt giảm. Tái cấu trúc, sàng lọc, M&A diễn ra. Tác động này lan sang cả các lĩnh vực khác khá rõ nét, ví dụ như chứng khoán, nguyên vật liệu, xây dựng…

Nói về nguyên nhân chính của sự sụt giảm thị trường bất động sản thời gian qua, TS. Cấn Văn Lực nêu 6 thành tố chi phối và tác động đến thị trường bất động sản đó là: Tài chính; quy hoạch và cơ sở hạ tầng; tính pháp lý; thông tin, dữ liệu, tính minh bạch; mối quan hệ cung - cầu và giá; kinh tế vĩ mô. Nếu chúng ta đánh giá nguyên nhân sụt giảm hay tăng mạnh thì cũng đều phải xoay quanh 6 thành tố này. Trong đó có những cái trước mắt và có cả những cái lâu dài. Hy vọng thị trường trong năm tới sẽ phục hồi dần.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, đối với doanh nghiệp bất động sản, cần cơ cấu, kiểm soát lại rủi ro dòng tiền, lãi suất, tỷ giá. Cần có phương án xử lý việc đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong hai năm. Cần lại niềm tin thì phải giữ vững lời hứa trả nợ đúng hạn. Cần chủ động tìm hiểu, tiếp cận chương trình phục hồi. Hơn nữa, cần phải phục hồi xanh, tăng trưởng xanh. Hiện nay, bất động sản xanh đang là xu thế.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp bất động sản cần phải chuyển đổi số để kịp thời đón đầu xu hướng mới. Trong đó việc thích ứng để có thể quản lý thay đổi, quản lý rủi ro... là điều tất yếu. Đồng thời, cần có phương án cụ thể, khả thi đối với trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn giai đoạn 2023 - 2024. Từ nay đến hết 2022 và 2023 sẽ cần phải vững tâm vượt khó để tạo nền tảng trong tương lai...

Trong khi đó, nhiều chuyên gia nhận định “bức tranh” bất động sản cuối năm 2022 và đầu năm 2023 chưa sáng sủa, bởi việc thủ tục hành chính trong lĩnh vực bất động sản vẫn còn vướng mắc. Nếu pháp lý được tháo gỡ cho các dự án bất động sản đang vướng mắc thì đây có thể là điểm sáng cho thị trường này.

Theo THPL