Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong tháng 11/2022 đạt 1,1 tỷ USD, giảm 8,3% so với tháng 10/2022 và giảm 14,6% so với tháng 11/2021. Trong đó, xuất khẩu sản phẩm gỗ ước tính đạt 713 triệu USD, giảm 8,1% so với tháng 10/2022 và giảm 23% so với tháng 11/2021. Tính chúng 11 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước tính đạt 14,6 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó, trị giá xuất khẩu sản phẩm gỗ ước đạt 10,1 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo nhận định của một số đơn vị kinh doanh, hạn chế về chuỗi cung ứng, vấn đề hậu cần và áp lực lạm phát tăng mạnh, cùng với sự mất giá của các đồng tiền chính so với đồng USD, là những yếu tố cản trở dẫn đến sự tăng trưởng chậm của ngành gỗ trong năm 2022.
Tỷ trọng xuất khẩu hầu hết các mặt hàng trong cơ cấu mặt hàng đồ nội thất bằng gỗ đều giảm, trừ mặt hàng đồ nội thất nhà bếp. Trong đó, ghế khung gỗ là mặt hàng có mức giảm mạnh nhất, đạt 2,5 tỷ USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2021, tỷ trọng chiếm 18,5% tổng trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, giảm 5,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, trong 10 tháng năm 2022, trị giá xuất khẩu dăm gỗ, viên gỗ, cửa gỗ và đồ gỗ mỹ nghệ có tốc độ tăng trưởng cao, tuy nhiên trị giá xuất khẩu những mặt hàng này chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu.
Hiện, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu các sản phẩm đồ mộc nội thất, ngoại thất, dăm gỗ và viên nén đều bị xem xét là có nguy cơ rủi ro cao trong việc hoàn VAT. Do vậy, cơ quan thuế cần có những đánh giá kỹ lưỡng hơn trong việc phân loại, áp dụng rủi ro đối với các sản phẩm gỗ, nhất là đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu có uy tín.
Để giảm bớt khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, tình hình kinh tế trong nước và thế giới khó khăn, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Tài chính xem xét, chỉ đạo các cơ quan hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc thực hiện các chính sách liên quan đến VAT.
Trước đó, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietforest) cũng có văn bản đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính tháo gỡ khó khăn đối với việc xác nhận nguồn gốc gỗ rừng trồng trong việc hoàn thuế VAT.
Cụ thể, Vietforest đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính cần thống nhất, hướng dẫn cụ thể cho các doanh nghiệp trong việc thực hiện các yêu cầu có liên quan tới việc xác định nguồn gốc gỗ và hồ sơ lâm sản trong quá trình hoàn thuế; chỉ đạo các cơ quan chức năng giải quyết sớm nhất việc hoàn thuế VAT đối với các doanh nghiệp đã có đầy đủ hồ sơ, tài liệu theo quy định.
Theo THPL