Đổi mới sáng tạo là yếu tố đột phá để cải thiện năng suất lao động

Để cải thiện năng suất lao động cả về giá trị và tốc độ, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cho rằng cần có những đột phá, bởi đột phá là yếu tố quan trọng giúp chúng ta “bật” lên từ thực trạng hiện nay để đạt được những cột mốc mới. Và nếu không có đổi mới sáng tạo thì không có đột phá.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, việc cải thiện, thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và từng doanh nghiệp. Đây là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, vì tăng năng suất lao động đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, đưa người lao động có thu nhập cao hơn và rút ngắn khoảng cách với các quốc gia trong khu vực.

Những năm qua, thực trạng năng suất lao động của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể, điều này được chứng minh qua các con số, bình quân năng suất lao động đều có xu hướng tăng qua các năm từ năm 2010 đến nay. Tuy nhiên, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. 

Nếu không có đổi mới sáng tạo thì không có đột phá. Ảnh minh họa.

Để cải thiện năng suất lao động cả về giá trị và tốc độ, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Viện trưởng Phụ trách Viện năng suất Việt Nam - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng cần có những đột phá, bởi đột phá là yếu tố quan trọng giúp chúng ta “bật” lên từ thực trạng hiện nay để đạt được những cột mốc mới.

Trong đó, theo ông Lâm, có một vấn đề mà thời gian qua chúng ta đã được nghe nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng đó chính là đổi mới sáng tạo. Đây không phải khẩu hiệu mà là hành động, cũng là xu hướng trên thế giới và Việt Nam đang bắt nhịp với xu hướng này. Các báo cáo đánh giá về xếp hạng đều cho thấy chỉ số đổi mới sáng tạo của nước ta đã tăng lên. Nếu không có đổi mới sáng tạo thì không có đột phá.

Tăng trưởng bền vững dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu. Ảnh minh họa.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Qúy Phát - Tổng Giám đốc Công ty CP Quý Phát cũng cho biết, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, giảm sự phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên đang là xu thế tất yếu trên toàn cầu.

“Theo tôi, nền kinh tế xanh mở ra thời kỳ tăng trưởng cao dựa trên đổi mới sáng tạo và sử dụng hiệu quả tài nguyên, tạo cơ hội phát triển cho tất cả các thành phần xã hội. Đầu tư cho tăng trưởng xanh là con đường thiết thực và hiệu quả. Tại Quý Phát, đội ngũ lãnh đạo đưa ra chiến lược áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và năng lượng dựa trên khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường”, ông Qúy Phát nhấn mạnh.

Thời gian qua, tại Việt Nam, thị trường khoa học và công nghệ đang từng bước phát triển, song các doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn cung cấp các giải pháp chất lượng cao, dẫn tới tình trạng doanh nghiệp không tiếp cận được với công nghệ tiên tiến, hoạt động đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ còn hạn chế. Thị trường khoa học và công nghệ đặc biệt là công nghệ số còn nhiều vướng mắc, chưa gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng với nhu cầu sản xuất, kinh doanh. Đây là vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế.

Vì vậy, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho thị trường này phát triển hơn nữa ở Việt Nam. Ngoài ra, việc tăng năng suất lao động và đổi mới sáng tạo không phải là vấn đề của một ngành, một lĩnh vực mà là vấn đề mang tính hệ thống, đòi hỏi phải đồng bộ hóa chính sách và thống nhất giữa các ngành, các cấp, giữa trung ương và địa phương để đảm bảo việc nâng cao năng lực thực thi chính sách về năng suất và đổi mới sáng tạo.

VietQ