Việt Nam còn nhiều dư địa cho xuất khẩu công nghệ số

Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhu cầu chuyển đổi số đang ngày càng tăng trên toàn cầu, thị trường quốc tế còn rất nhiều dư địa cho Việt Nam. Mục tiêu xuất khẩu công nghiệp công nghệ số năm 2023 sẽ đạt 137 tỷ USD.

Năm 2022, ngành công nghiệp công nghệ số tiếp tục là một điểm sáng của kinh tế Việt Nam với doanh thu ước đạt 148 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021. Tính riêng 2 tháng đầu năm 2023, doanh thu cũng đã đạt hơn 20 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu hiện đang chiếm một tỷ trọng đáng kể với hơn 90%.

Liên quan đến công nghệ số, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã nêu nhiều giải pháp để tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu công nghệ số cho doanh nghiệp Việt Nam. Theo định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2023 và giai đoạn 2024 - 2025, tỷ lệ đóng góp của doanh nghiệp công nghệ số vào GDP trong 3 năm tới sẽ ở mức từ 6 - 6,5% mỗi năm.

Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, nhu cầu chuyển đổi số đang ngày càng tăng trên toàn cầu, thị trường quốc tế còn rất nhiều dư địa cho Việt Nam. Mục tiêu xuất khẩu công nghiệp công nghệ số năm 2023 sẽ đạt 137 tỷ USD.

Việt Nam còn nhiều dư địa cho xuất khẩu công nghệ số. Ảnh minh hoạ

Hiện, những robot Make in Vietnam đang được cung cấp cho 30.000 doanh nghiệp tại 20 quốc gia như Nhật Bản, Đức và Trung Đông, giúp gia tăng năng suất 30%. Tăng trưởng thị trường của các robot trong những năm qua luôn duy trì hơn 20%.

Theo ông Bùi Đình Giáp, Giám đốc công ty cổ phần akaBot cho biết: "Thị trường lớn nhất của chúng tôi là Nhật Bản. Ở đó, nguồn nhân lực thiếu, tuy nhiên việc chuẩn hóa của họ rất tốt nên đây là môi trường tốt để chúng tôi triển khai bán sản phẩm. Với việc đưa robot phần mềm vào có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong thời gian nhanh chóng, đây là lý do giúp chúng tôi tăng trưởng ấn tượng trong năm vừa qua".

Bên cạnh việc chọn các thị trường phù hợp với mô hình và năng lực, theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt cần gia tăng tỷ lệ làm chủ công nghệ lõi để có được những hợp tác giá trị cao hơn.

Tính đến hết năm 2022, Việt Nam có 75.000 doanh nghiệp công nghệ số, nhưng chỉ 2% số này có thể xuất khẩu được sản phẩm ra nước ngoài. Các doanh nghiệp Việt Nam phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vì vậy xây dựng một mạng lưới liên kết theo mô hình đàn kiến sẽ là chìa khóa để ngày càng có nhiều doanh nghiệp bước ra thị trường quốc tế.

Theo ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mục tiêu số hoá các hoạt động xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Trong những năm vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã phối hợp với sàn thương mại điện tử Alibaba.com triển khai thành công nhiều sự kiện quy mô lớn như: Hội nghị thương mại điện tử quốc tế B2B năm 2021, Hội nghị quốc tế xuất khẩu trực tuyến qua nền tảng thương mại điện tử năm 2022 và khai trương “Gian hàng quốc gia Việt Nam – Vietnam Pavilion”. Đây là không gian hàng hoá Việt Nam trên sàn thương mại điện tử, tập trung hỗ trợ cho các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng hình ảnh, quảng bá thương hiệu sản phẩm; hỗ trợ hoạt động kết nối kinh doanh, tăng cường hiểu biết về sản phẩm và doanh nghiệp Việt Nam cho khách hàng quốc tế.

Cũng theo ông Vũ Bá Phú, cùng với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, về phía doanh nghiệp cũng cần có sự chủ động, tích cực trong việc tìm hiểu thông tin, cơ chế chính sách, nghiên cứu thị trường, thẩm định đối tác, chú trọng công tác nâng cao và kiểm soát chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh, đáp ứng các quy định của thị trường nhập khẩu, phối hợp với các tổ chức xúc tiến thương mại xây dựng kế hoạch và tham gia triển khai hoạt động xúc tiến thương mại để đón đầu cơ hội từ thị trường, đặc biệt là các thị trường có FTA.

Hiện đang có 1.400 doanh nghiệp Việt Nam có doanh thu xuất khẩu công nghệ số, phủ rộng khắp các lĩnh vực. Mạng lưới theo mô hình đàn kiến kỳ vọng sẽ giúp gia tăng nhanh chóng con số này, từ đó không chỉ đảm bảo mục tiêu đóng góp của công nghệ số vào GDP mà còn linh hoạt trong chuyển đổi, thích ứng, tạo ra sự bền vững hơn cho cộng đồng công nghệ số Việt Nam.

Mục tiêu của Bộ Thông tin Truyền thông đặt ra cho xuất khẩu công nghệ số là 148 tỷ USD vào năm 2024 và vượt mốc 160 tỷ vào năm 2025.

Thương hiệu pháp luật