Mặc dù Bắc Âu là các nước nhỏ gồm 5 nước Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Iceland nhưng có nền kinh tế mở, hiện đại và xuất nhập khẩu thường chiếm 50-60% tổng ngân sách quốc nội (GDP). So với các nước khác trong ASEAN, Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất sang khu vực này nhưng thị phần vẫn dừng lại ở mức hạn chế chưa đến 1%.
Khi xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam phải cạnh tranh không chỉ với Trung Quốc mà còn rất nhiều nước khác có các đặc điểm tương đồng như Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ…Vì thế, các chuyên gia thương mại lưu ý doanh nghiệp việc tuân thủ các quy định nhập khẩu, và quan trọng là phải đáp ứng cả các điều kiện bổ sung của người mua hàng. Hơn nữa, thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại đúng và trúng cũng là một giải pháp tốt để thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá.
Hiện nay, người tiêu dùng Bắc Âu ngày càng có xu hướng tiêu thụ thực phẩm hữu cơ với phương pháp sản xuất bền vững, ít tác động với môi trường và lựa chọn sản phẩm đơn giản, tiện dụng, dùng được nhiều lần cũng như ưu tiên sử dụng các nguyên vật liệu tái chế...Chính vì vậy, doanh nghiệp nên hướng tới quảng bá các sản phẩm mới lạ, có lợi cho sức khỏe, bảo vệ môi trường, các sản phẩm gắn với các câu chuyện vùng miền, có chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, doanh nghiệp nên tăng hiệu quả và tiết kiệm chi phí qua xúc tiến thương mại trực tuyến.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đã và đang giúp mở rộng hơn nữa các cơ hội kinh doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam và thị trường châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng thông qua cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và giải quyết các rào cản thương mại mà các doanh nghiệp có thể gặp phải.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, Thụy Điển và Đan Mạch là thành viên của Liên minh châu Âu, nhưng Na Uy thì không. Tuy nhiên, Na Uy tham gia Khu vực Kinh tế châu Âu (EEA). Trên thực tế, điều này có nghĩa là các luật và quy định về thực phẩm của Na Uy phần lớn phản ánh các quy định của Liên minh châu Âu (EU). Do đó, luật pháp của EU có thể được sử dụng làm cơ sở cho cả ba quốc gia.
Đơn cử như đối với sản phẩm hạt điều của Việt Nam, để xuất khẩu thuận lợi sang các nước Bắc Âu, Thương vụ cho rằng, sản phẩm hạt điều cần tuân thủ Luật Thực phẩm chung châu Âu (EC) 178/2022 và các qui định chung về vệ sinh thực phẩm (EU) 2017/625.
Về vấn đề an toàn thực phẩm, Thương vụ nhấn mạnh, đây là vấn đề then chốt. Tất cả các sản phẩm thực phẩm, bao gồm cả hạt điều, được bán ở các nước thuộc EU, Hiệp hội Thương mại Tự do châu Âu (EFTA) và Vương quốc Anh đều phải an toàn. Điều này cũng áp dụng cho các sản phẩm nhập khẩu. Chỉ cho phép các chất phụ gia đã được phê duyệt. Các sản phẩm thực phẩm phải tuân thủ mức tối đa đối với các chất gây ô nhiễm có hại, chẳng hạn như vi khuẩn, vi rút, dư lượng thuốc trừ sâu và kim loại nặng.
Thương vụ cũng lưu ý, việc ghi nhãn phải nêu rõ thực phẩm có chứa chất gây dị ứng hay không, bởi, qua nghiên cứu cho thấy hạt điều có chất gây dị ứng mạnh, gây ra các phản ứng dị ứng nghiêm trọng kéo dài trong thời gian dài hơn so với các loại dị ứng thực phẩm khác. Theo nghiên cứu gần đây, phản ứng lâm sàng với hạt điều có thể nghiêm trọng, bao gồm cả sốc phản vệ.
Mặt khác, một số thực vật và sản phẩm thực vật vào EU phải có giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật là bắt buộc đối với việc nhập khẩu một số loại hạt điều vào EU từ các nước thứ ba, ngoài Thụy Sĩ. Điều này áp dụng cụ thể cho hạt điều, nguyên hạt, tươi, còn vỏ, theo Quy định (EU) 2019/2072...
Theo Tham tán Thương mại Việt Nam tại Thụy Điển, để xuất khẩu thuận lợi và thành công sang các nước châu Âu nói chung và Bắc Âu nói riêng, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin về những diễn biến mới nhất trong Thỏa thuận Xanh châu Âu và bất kỳ quy định, chính sách, chiến lược hay kế hoạch mới nào nhằm thực hiện Thỏa thuận này cũng như các quy định mới của EU.
Chủ động tìm hiểu, đánh giá tác động tiềm năng của các chính sách mới đối với hoạt động và xuất khẩu của doanh nghiệp, đồng thời xác định lĩnh vực nào, công đoạn nào cần được cải thiện để đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và an toàn mới của thị trường khu vực này. Ngoài ra, doanh nghiệp nên cân nhắc áp dụng các biện pháp bền vững và thân thiện với môi trường hơn, chẳng hạn như giảm phát thải khí nhà kính, tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và sử dụng vật liệu tái chế.
Doanh nghiệp Việt cũng có thể cân nhắc việc thay đổi mô hình sản xuất, chuyển từ mô hình sản xuất và xuất khẩu chỉ tập trung vào sản lượng sang mô hình sản xuất hiện đại, chú trọng tới yếu tố môi trường và phát triển bền vững, đồng thời với việc chuyển đổi số và áp dụng các công nghệ mới trong hoạt động sản xuất.