Theo tờ trình về Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng do Chủ tịch UBND Thành phố Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh vừa ký gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quy mô diện tích của Khu thương mại tự do đến giai đoạn hoàn chỉnh hạ tầng và đồng bộ các khu chức năng đạt khoảng hơn 2.317ha, bao gồm vị trí lấn biển khoảng hơn 300 ha.
Khu thương mại tự do được bố trí tại 10 vị trí không liền kề gắn kết với cảng biển Liên Chiểu và sân bay quốc tế Đà Nẵng.
Theo tờ trình của Thành phố Đà Nẵng, các khu chức năng trong Khu thương mại tự do gồm 10 vị trí không liền kề thuộc 4 khu chức năng chính theo định hướng tại Nghị quyết số 136/2024/QH15.
Cụ thể khu chức năng logistics (vị trí: 1 và 9); khu chức năng logistics và sản xuất (vị trí: 2 và 3).
Ngoài ra, có khu chức năng sản xuất (vị trí: 4A, 4B); khu chức năng thương mại dịch vụ và kinh tế số, công nghệ thông tin và đổi mới sáng tạo (vị trí: 5, 6, 7, 8).
Bên cạnh đó, đối với vị trí lấn biển và khu vực Cảng biển Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng đang triển khai nghiên cứu, đánh giá một cách toàn diện để đưa ra định hướng và lộ trình đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển phù hợp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện trước khi đưa vào hoạt động.
Theo UBND Thành phố Đà Nẵng, các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển trong Khu thương mại tự do là sản xuất hàng xuất khẩu có giá trị cao như điện tử tiên tiến; sản xuất máy bay, linh kiện phụ trợ hàng không và MRO; lắp ráp, thử nghiệm và đóng gói chip bán dẫn.
Lĩnh vực logistics ưu tiên vận tải đa phương thức; dịch vụ phụ trợ và kho bãi; lĩnh vực thương mại dịch vụ sẽ có bán hàng miễn thuế, du lịch y tế, MICE, kinh doanh casino, dịch vụ nhà hàng, nghỉ dưỡng…
Trung tâm đổi mới sáng tạo khu vực sẽ ưu tiên nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo đối với các ngành, lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bán dẫn; dịch vụ hỗ trợ.
Sẽ gắn kết giữa Khu thương mại tự do Đà Nẵng với Trung tâm tài chính quy mô khu vực; có thể nghiên cứu theo hướng gắn kết thông qua cơ chế cùng giao cho 1 đơn vị quản lý; nhà đầu tư vào Trung tâm tài chính cũng được hưởng những cơ chế, chính ưu đãi của Khu thương mại tự do và ngược lại...
Về tính chất, chức năng, mô hình phát triển là loại hình Khu thương mại tự do có hàng rào cứng với ranh giới không gian xác định, được áp dụng các chính sách ưu đãi cạnh tranh để thu hút các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp trong nước có vị thế dẫn dắt đối với một số ngành ưu tiên…
Khu thương mại tự do Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ là mô hình đầu tiên của Việt Nam tích hợp các chức năng như logistics cảng biển và sân bay, cùng với các hoạt động thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế xuất. Chính quyền thành phố dự báo khu thương mại tự do có thể đóng góp 8-9% vào GRDP của Đà Nẵng vào năm 2030 và lên đến 25% vào năm 2050, đồng thời thu hút khoảng 41.000 lao động vào năm 2030 và 137.000 lao động vào năm 2050.
Quốc hội đã thông qua nghị quyết tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP Đà Nẵng. Trong đó, thành phố được lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu, thí điểm cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tài chính, thương mại, du lịch và dịch vụ chất lượng cao.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng hồi tháng 10, UBND TP Đà Nẵng hoàn thành xây dựng đề án, hồ sơ thành lập khu thương mại tự do trong tháng 12/2024, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, sau đó trình Thủ tướng quyết định vào đầu năm 2025.