Sáng ngày 29/10, tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi).
Trước đó, tại kỳ họp thứ 7, một trong các vấn đề còn tranh luận nhiều là mức thuế suất với mặt hàng phân bón. Nhiều ý kiến tán thành việc chuyển phân bón, máy móc, thiết bị chuyên dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp, tàu khai thác thủy sản từ diện không chịu thuế sang diện chịu thuế suất 5%.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị giữ như quy định hiện hành và đề nghị đánh giá kỹ tác động đối với các doanh nghiệp sản xuất cũng như đối với người tiêu dùng và bảo đảm cơ sở pháp lý của việc thay đổi chính sách; cân nhắc để hài hòa về lợi ích, bảo đảm phát triển nông nghiệp bền vững.
Đánh thuế VAT 5% với phân bón tiếp tục gây nhiều ý kiến trái chiều
Tại phiên thảo luận sáng 29/10, thống nhất với đề xuất Chính phủ, chuyển phân bón từ không chịu thuế sang chịu thuế VAT 5%, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) nhận định, thuế GTGT đối với phân bón được sửa đổi từ năm 2014 tại Luật Thuế GTGT 2014, chuyển từ diện đang chịu thuế suất 5% sang diện không chịu thuế.
Chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi rất lớn cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước suốt thời gian vừa qua, vì thuế GTGT đầu vào của các doanh nghiệp này không được khấu trừ, phải hạch toán vào chi phí, bao gồm cả thuế đầu vào rất lớn đối với đầu tư, mua sắm tài sản cố định, làm giá thành sản xuất trong nước tăng cao, không thể cạnh tranh với nhập khẩu.
Trong khi đó, phân bón chiếm tỷ trọng cao nhất ngành trồng trọt. Nếu không chịu thuế VAT, phân bón nhập khẩu hưởng lợi. Doanh nghiệp trong nước sản xuất phân bón bị phân biệt đối xử, dấn đến nguy cơ phá sản, phải ngừng sản xuất.
“Nếu chuyển từ miễn thuế sang áp thuế VAT 5% đối với mặt hàng phân bón sẽ có lợi cho 3 nhà: Nhà nước, doanh nghiệp, nông dân; Giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu phân bón, góp phân nâng cao năng suất cây trồng, phát triển nông nghiệp bền vững” - đại biểu nhấn mạnh.
Tương tự, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP.HCM) cũng ủng hộ việc áp thuế VAT 5% cho mặt hàng phân bón. Theo đại biểu, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên vươn mình, hướng tới tự lập, tự cường nhưng đang phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu, các mặt hàng sản xuất trong nước như thuốc thú y, phân bón kém phát triển từ nhiều năm nay.
“Tôi rất thông cảm, ủng hộ nông dân nhưng nếu doanh nghiệp sản xuất phân bón phá sản, hàng nghìn, hàng triệu công nhân làm việc trong đó sẽ ra sao? Tôi tin rằng, khi chúng ta tự chủ được thì Chính phủ sẽ có các biện pháp giảm gánh nặng cho người tiêu dùng” - đại biểu Trương Trọng Nghĩa nói.
Không đồng tình về việc áp thuế VAT 5% đối với phân bón, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Bắc Giang) lại cho rằng, người nông dân khi đi mua phân bón không được khấu trừ đầu vào vì không có hóa đơn, nếu đánh thuế 5% thì người nông dân phải chịu.
Theo đại biểu, để nâng cao tính cạnh tranh đối với mặt hàng phân bón phải tăng cường năng lực quản trị, nâng cao năng suất, đổi mới công nghệ chứ không thể để mấy người nông dân còng lưng lo cày cấy lại phải gánh thêm mức thuế 5% thì rất tội cho họ.
Tương tự, đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) phân tích, phân bón chiếm một phần lớn trong chi phí sản xuất của nông dân. Việc không áp dụng thuế VAT 5% sẽ giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho họ. Điều này không chỉ giúp tăng thu nhập cho nông dân mà còn giúp họ có điều kiện tái đầu tư sản xuất, cải thiện năng suất và chất lượng nông sản.
Ông cũng cho rằng, trong bối cảnh nông nghiệp vẫn là ngành xương sống của nền kinh tế Việt Nam, việc đưa ra các chính sách hỗ trợ ngành này là cần thiết. Nếu áp dụng thuế VAT 5% đối với phân bón, chi phí sản xuất sẽ tăng, dẫn đến giá thành nông sản tăng, có thể giảm khả năng cạnh tranh của nông sản Việt Nam, không chỉ ảnh hưởng đến nông dân mà còn tác động tiêu cực đến người tiêu dùng.
Đại biểu Lê Thị Song An (Long An) cho rằng đây là loại thuế gián thu mà người cuối cùng phải chịu là người tiêu dùng, trong trường hợp này là người nông dân. Thuế suất 5% với phân bón chắc chắn sẽ dẫn tới tăng giá phân bón trên thị trường, tạo ra tác động không hề nhỏ với ngành nông nghiệp và nông dân.
Theo bà An, trong bối cảnh ngành nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thiếu bền vững, thiếu tính cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài, việc áp thuế với phân bón sẽ giúp tăng ngân sách khoảng 4.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều băn khoăn là người dân phải chịu mức phân bón tăng cao và khi giá phân bón tăng, chi phí sản xuất nông nghiệp tăng, làm tăng giá thành sản xuất nông nghiệp.
"Nếu áp dụng thuế suất 5% với phân bón, Nhà nước và doanh nghiệp sẽ được lợi nhưng người nông dân là bộ phận quan trọng nhất của ngành nông nghiệp lại chịu thiệt thòi nhất", vị đại biểu nói.
Áp thuế VAT 5% góp phần ổn định giá phân bón trên thị trường
Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình làm rõ về phương án áp 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) với phân bón.
Theo Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc, trước năm 2015, theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với phân bón là 5%. Tuy nhiên, sau nhiều ý kiến phản ánh, Quốc hội đã ban hành luật, có hiệu lực từ ngày 1/1/2015, chuyển phân bón sang diện không chịu thuế này.
Theo ông, chính sách này đã gây ảnh hưởng bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước, vì họ không được khấu trừ thuế đầu vào, dẫn đến chi phí sản xuất tăng cao và khó cạnh tranh với hàng nhập khẩu. Trong khi đó, phân bón nhập khẩu vẫn được hoàn thuế đầu vào, khiến giá thành sản phẩm ngoại rẻ hơn và dễ chiếm ưu thế trên thị trường.
“Bộ NN&PTNT, Kiểm toán Nhà nước, Hiệp hội phân bón cùng các đoàn đại biểu Quốc hội, đã đề nghị xem xét lại chính sách này”, ông Phớc nói. Do vậy, nội dung này được vào Luật Thuế giá trị gia tăng.
“Việc áp dụng thuế suất 5% sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước có khả năng khấu trừ thuế đầu vào, giảm chi phí sản xuất và nâng cao sức cạnh tranh. Điều này không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp trong nước mà còn góp phần ổn định giá phân bón trên thị trường, từ đó giảm gánh nặng chi phí cho người nông dân”, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc lý giải.