Quý III/2023, doanh thu thuần hợp nhất của DPG đạt 867 tỷ đồng, giảm 1,3% so với cùng kỳ. Cơ cấu doanh thu cho thấy mảng xây lắp vẫn là đầu kéo với mức tăng 35% (đạt 803 tỷ đồng), trong khi mảng doanh thu bán điện giảm 44% (đạt 59 tỷ đồng). Dù suy giảm, song đây vẫn là doanh thu theo quý cao nhất năm 2023 và cao thứ 3 từ đầu năm 2022 trở lại đây của DPG.
Trừ đi giá vốn, lợi nhuận gộp quý III/2023 đạt 95 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ.
Trong quý, DPG có thêm 4 tỷ đồng doanh thu tài chính và tiết giảm được 18% chi phí quản lý cũng như khống chế chi phí tài chính không đổi ở mức 45 tỷ đồng.
Điều này giúp công ty kết thúc quý III/2023 với khoản lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ thuế, lợi nhuận còn 31 tỷ đồng, giảm 66%, là mức lợi nhuận quý thấp nhất trong 12 quý qua (kể từ sau quý III/2020).
Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần của DPG đạt 2.026 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Xây lắp vẫn là trụ cột với doanh số 1.631 tỷ đồng, tăng 25%, trong khi mảng kinh doanh điện giảm 21%, đạt 355 tỷ đồng, còn doanh thu kinh doanh bất động sản chỉ 26 tỷ đồng, giảm 94%.
Với doanh thu đi lùi, lợi nhuận gộp cũng giảm 44%, đạt 367 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp 9 tháng đạt 18,11%.
Về các loại chi phí, điểm đáng chú ý là chi phí tài chính vẫn rất lớn, đạt 145 tỷ đồng, tăng 10%. Điều này khiến lợi nhuận khó lòng được cải thiện. Kết 9 tháng, DPG có lợi nhuận trước thuế 183 tỷ đồng, giảm 57%; lợi nhuận sau thuế 168 tỷ đồng, giảm 55% so với cùng kỳ năm trước.
Tại ngày 30/9/2023, tổng tài sản của DPG đạt 6.257 tỷ đồng, tăng 2% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm đáng nói là quy mô tiền và tương đương tiền khá lớn, đạt hơn 1.100 tỷ đồng, dù có suy giảm so với đầu năm. Trong khi đó, các khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho đều có sự tăng trưởng, lần lượt đạt 873 tỷ đồng, tăng 16% và 1.220 tỷ đồng, tăng 12%.
Ngoài ra, chi phí xây dựng cơ bản dở dang trong 9 tháng cũng tăng thêm 47%, lên 466 tỷ đồng.
Nợ phải trả của DPG tại ngày 30/9/2023 đạt 3.982 tỷ đồng, tăng 1,2% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay chiếm 62%, đạt 2.492 tỷ đồng, giảm 6%. Còn khoản “người mua trả tiền trước ngắn hạn” tăng 54%, đạt 1.027 tỷ đồng, chiếm 26%.
Với vốn chủ sở hữu đạt 2.275 tỷ đồng, tăng 3% so với đầu năm, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu chỉ là 1,75 lần.
Dòng tiền kinh doanh 9 tháng của DPG âm nhẹ 19 tỷ đồng, do tăng các khoản phải thu (198 tỷ đồng), tăng hàng tồn kho (260 tỷ đồng). Dòng tiền đầu tư cũng âm lớn nên trong kỳ, DPG đẩy quy mô dòng tiền đi vay tăng 21% so với cùng kỳ, lên 1.046 tỷ đồng, để bù đắp. Dù vậy, tại thời điểm kết quý III/2023, tiền và tương đương tiền vẫn giảm 37%, đạt 738 tỷ đồng.