Thương hiệu Greenoly quảng cáo sai công dụng dầu gội: Người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác

Dầu gội Selsun có xuất xứ từ Nhật Bản quảng cáo sai công dụng trên website greenoly.vn, người tiêu dùng cần cẩn trọng.

Trước đó, tòa soạn Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) nhận được phản ánh của độc giả về việc dầu gội có tên Selsun xuất xứ từ Nhật Bản được rao bán trên website thương hiệu Greenoly thuộc Công ty TNHH AGRIOLY (có địa chỉ 17-19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.Hồ Chí Minh) liên tục quảng cáo “thổi phồng” công dụng như thuốc chữa bệnh nhằm đánh vào tâm lý người dùng mua, sử dụng sản phẩm.

Có thể thấy rõ điều này trên website bán hàng ở địa chỉ https://greenoly.vn liên tục quảng cáo sản phẩm dầu gội này với tên gọi thuốc gội trị gàu và mô tả sản phẩm: với công thức mới, chứa 1.8% Selenium Sulfide cực mạnh điều trị tận gốc gàu nặng, triệu chứng ngứa và viêm da đầu dai dẳng; đồng thời ngăn gàu quay trở lại. Trong khi đây chỉ là mỹ phẩm và không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.

Chính những quảng cáo “có cánh” về dầu gội Selsun khiến người tiêu dùng chi tiền mua sử dụng mà không hay biết công dụng thật của sản phẩm. Do đó, để bảo vệ các doanh nghiệp chân chính cũng như định hướng người tiêu dùng sử dụng sản phẩm chất lượng, tòa soạn khuyến cáo người dùng cần tìm hiểu kỹ trước khi tin dùng dầu gội Selsun được thương hiệu Greenoly quảng cáo sai sự thật trên webiste https://greenoly.vn.

Chuyên gia pháp lý cho biết, tại Điều 4, Nghị định 181/2013/NĐ-Cp ngày 14/11/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng Cáo: Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp các tài liệu sau đây: Phiếu Công bố mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược; Tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có). Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.

Theo Điều 21, Thông tư 06/2011/TT-BYT ngày 25/01/2011 quy định về quản lý mỹ phẩm: "Nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp các tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu của của mỹ phẩm và phải tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của ASEAN”.

 Nhiều sản phẩm mỹ phẩm khác cũng được thương hiệu này quảng cáo như thuốc trị bệnh.

Theo hướng dẫn ASEAN về cách nêu công dụng của mỹ phẩm: “Nguyên tắc chung là sản phẩm mỹ phẩm chỉ được nêu những công dụng có lợi như một mỹ phẩm, chứ không phải là công dụng có lợi về y học hay điều trị”.

Theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 51 Nghị định 158/2013/NĐ-CP thì quảng cáo có sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

Theo quy định tại Điều 197 Bộ luật Hình sự 2015, người nào quảng cáo gian dối về hàng hóa, dịch vụ, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.