Thêm 9 địa phương được bật "đèn xanh"
Cục Hàng không vừa có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về kết quả làm việc với các địa phương có đề xuất đưa sân bay mới vào Dự thảo Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay cả nước giai đoạn 2030, tầm nhìn tới năm 2050.
Trên cơ sở đề xuất của địa phương, các điều kiện liên quan (kể cả điều kiện về có nhà đầu tư quan tâm), Cục Hàng không đề xuất Bộ GTVT nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch 9 sân bay mới tại các tỉnh: Hà Giang (sân bay Tân Quang), Yên Bái, Tuyên Quang (Na Hang), Hà Tĩnh, Kon Tum (Măng Đen), Quảng Ngãi (Lý Sơn), Khánh Hòa (Vân Phong), Đăk Nông, Tây Ninh.
Cục Hàng không cũng đề nghị các địa phương trên lập đề án đánh giá hiệu quả, tính khả thi, phương thức huy động vốn ngoài ngân sách để xây dựng sân bay.
Sân bay duy nhất trong đề xuất bị loại là Mộc Châu (sân bay thứ 2 của Sơn La, ngoài sân bay Nà Sản). Cục Hàng không cho rằng, vị trí khu đất làm sân bay trong rừng quốc gia Mộc Châu có thời tiết không thuận lợi, mỗi năm có khoảng 5 tháng sương mù, ảnh hưởng đến khai thác dân dụng. Phía địa phương cũng thống nhất sân bay Mộc châu chỉ phục vụ chuyên dùng (bay du lịch, thủy phi cơ, trực thăng).
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là hình mẫu
Theo ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), nhu cầu vốn đầu tư các cảng hàng không giai đoạn 2021-2030 theo quy hoạch là trên 403.000 tỷ đồng. Trong khi đó, ACV cân đối được khoảng 265.000 tỷ đồng; Bộ GTVT cân đối được hơn 9.840 tỷ đồng.
Số còn lại – trên 128.000 tỷ đồng sẽ tính toán huy động từ các nguồn khác.
Cũng theo ông Dũng, hiện, trên thế giới, hầu hết chính phủ các nước vẫn nắm giữ, quản lý, khai thác 100% hoặc nắm giữ cổ phần chi phối đối với các cảng hàng không lớn, quan trọng.
Đối với các cảng hàng không vừa và nhỏ, mang tính chất phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thường được xã hội hóa.
Từ các mô hình trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam, theo đại diện Vụ Kế hoạch – Đầu tư, Bộ GTVT, hình thức đầu tư PPP phù hợp với điều kiện Việt Nam
Trong đó, cho tư nhân đầu tư toàn bộ đối với cảng hàng không, hoặc đầu tư từng công trình riêng lẻ như nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa…đối với với cảng hàng không nhà nước cần nắm giữ.
Tuy nhiên, phương án tài chính các dự án thường có thời gian hoàn vốn kéo dài (trung bình từ 40-50 năm) nên cần sự tham gia hỗ trợ rất lớn từ địa phương.
Phạm Ngọc Sáu – Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, cảng hàng không tư nhân đầu tiên và duy nhất cả nước hiện nay cho biết, đầu tư vào sân bay sẽ không thể có lãi trong thời gian trước mắt, nhưng sẽ góp phần kéo theo các ngành khác phát triển.
Theo ông Sáu, sự có mặt của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã góp phần thay đổi diện mạo của huyện Vân Đồn. Cụ thể, ngân sách huyện Vân Đồn năm 2015 là 130 tỷ đồng thì từ năm 2020, vượt 1.000 tỷ mỗi năm.
“Có sân bay Vân Đồn, nhiều du khách quốc tế đến, nhiều nhà đầu tư vào. Một điều quan trọng là đã góp phần tạo nên một cuộc cách mạng về thu hút đầu tư tư nhân vào làm sân bay" – ông Sáu chia sẻ.
Từ thực tiễn của Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, ông Sáu kiến nghị cần phải có chính sách, hành lang pháp lý cụ thể, rõ ràng để thu hút đầu tư tư nhân vào xây dựng cảng hàng không.
Là địa phương đề xuất bổ sung sân bay vào mạng lưới quy hoạch hàng không quốc gia, ông Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh chia sẻ: “Không phải thấy mọi người có sân bay thì mình đăng ký đâu. Chúng ta phải có tư duy quốc gia chứ không phải tư duy cục bộ địa phương. Với Tây Ninh, chúng tôi thấy hội đủ yếu tố cần và đủ”.
Theo ông Ngọc, dư địa phát triển của Tây Ninh về du lịch rất lớn. Việc hình thành sân bay Tây Ninh không chỉ chia sẻ áp lực vận chuyển hàng không với sân bay Tân Sơn Nhất mà còn giúp Tây Ninh kết nối với các điểm du lịch trong và ngoài nước; đồng thời góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng và đối ngoại quốc gia.
6 tiêu chí quan trọng để 1 sân bay
Trước đó, tháng 4/2022, khi trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Quy hoạch Hệ thống cảng hàng không, Bộ GTVT đã liệt kê 6 tiêu chí quan trọng để 1 sân bay có thể được đưa vào quy hoạch, gồm: sản lượng hàng hóa; nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội (tăng trưởng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); nhu cầu đảm bảo quốc phòng - an ninh (chiến lược, dự phòng chiến lược); nhu cầu đáp ứng hoạt động khẩn nguy, cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không…); cự ly tiếp cận (100 km đối với sân bay đồng bằng và 200 km đối với sân bay miền núi). Đây là cơ sở để tránh lãng phí về nguồn lực và cũng là cơ sở để các nhà đầu tư tư nhân có thể định lượng hiệu quả trong trường hợp các sân bay được đầu tư theo hình thức PPP.
Kinh tế Môi trường