Công ty chứng khoán của bà Nguyễn Thanh Phượng phải thanh toán thay nhà đầu tư nước ngoài

Một tổ chức ngoại từ Hà Lan mua 26.600 cổ phiếu FPT nhưng chậm trả, Vietcap đã thanh toán thay theo quy định mới.
vietcap-ck-1734879668.jpeg
 

Công ty cổ phần Chứng khoán Vietcap (mã chứng khoán: VCI) do bà Nguyễn Thanh Phượng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị vừa công bố giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu không ứng tiền trước nhưng không thực hiện thanh toán.

Cụ thể, trong một giao dịch vào ngày 17/12, nhà đầu tư ngoại đến từ Hà Lan, Aegon Custody B.V đã đặt mua và khớp lệnh 26.600 cổ phiếu FPT, với giá trị gần 4 tỷ đồng. Đến nay, nhà đầu tư này chưa thanh toán, nên Chứng khoán Vietcap phải chịu trách nhiệm trả thay.

vietcap-ck-1-1734879668.png
 

Việc này được áp dụng theo quy định mới tại Thông tư 68, có hiệu lực từ ngày 2/11. Theo đó, trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không thanh toán đủ tiền cho giao dịch, nghĩa vụ thanh toán sẽ chuyển sang công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư đặt lệnh thông qua tài khoản tự doanh.

Theo quy định trước đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ được đặt lệnh mua/bán khi đã ký quỹ đủ 100% tiền/chứng khoán trên tài khoản giao dịch. Tuy nhiên, quy định trên được cho là trở ngại hiệu quả sử dụng vốn của nhà đầu tư ngoại và hạn chế tính thanh khoản của thị trường nói chung.

Việc tháo gỡ "nút thắt" này là một bước tiến rất quan trọng để đáp ứng các tiêu chuẩn nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi thứ cấp theo tiêu chí của FTSE Russell.

Theo Chứng khoán VNDirect, có 3 tác động tiềm năng từ việc triển khai Thông tư 68. Đầu tiên, quy định mới sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư nước ngoài khi các quy định của Việt Nam tiến gần hơn với tiêu chuẩn quốc tế. Từ đó, kỳ vọng gia tăng về dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Cuối cùng, thông tư mới kỳ vọng cải thiện tính thanh khoản của thị trường.

Ngược lại, thông tư cũng tạo áp lực cho các công ty chứng khoán. Chứng khoán VNDirect cho rằng, các công ty chứng khoán cần tăng cường quản lý rủi ro liên quan đến khách hàng, tỷ lệ ký quỹ, điều kiện thị trường và tỷ lệ cho vay phù hợp.

"Áp lực cạnh tranh có thể làm tăng những rủi ro này theo thời gian là điều không thể phủ nhận. Thị trường có thể đối mặt với các giao dịch thất bại, trong trường hợp người mua không đủ tiền để đáp ứng nghĩa vụ thanh toán", VNDirect nêu rõ. 

Liên quan tới trường hợp người mua không đủ tiền để đáp ứng nghĩa vụ thanh toán, một số chuyên gia trong ngành cho biết để giảm thiểu rủi ro, các công ty chứng khoán thường đánh giá uy tín nhà đầu tư ngoại và cổ phiếu họ mua.

Các công ty thường sẽ có một danh mục cổ phiếu đủ uy tín để cấp quyền mua cho nhà đầu tư ngoại, cùng với đó là số lượng tối đa có thể mua. Nếu nhà đầu tư nước ngoài vi phạm, không trả tiền cho giao dịch, các công ty chứng khoán cũng đặt ra các chế tài loại trừ rủi ro như loại bỏ tên khỏi danh sách được cấp quyền mua...

Trong trường hợp nhà đầu tư không đủ tiền để thanh toán vào 9h30 sáng ngày T+2, công ty chứng khoán sẽ đứng ra thanh toán và sau đó bán lại cổ phiếu này cho nhà đầu tư vào ngày T+3.