DGW: PHS khuyến nghị nắm giữ với giá mục tiêu 42.200 đồng/cổ phiếu
Công ty Cổ phần Thế giới số (HoSE: DGW) tiền thân là Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phương, thành lập năm 1997, chủ yếu phân phối các sản phẩm linh kiện điện tử. Năm 2003, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hoàng Phương cổ phần hóa thành Công ty Cổ phần Thế giới số.
Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết, từ khi thành lập đến nay, DGW luôn được biết đến như là một trong những nhà cung cấp dịch vụ phát triển thị trường hàng đầu của Việt Nam.
PHS kỳ vọng doanh thu của công ty trong năm quý IV/2022 và 2023 sẽ đạt lần lượt 4.293 tỷ đồng (giảm 45,9% so với cùng kỳ) và 22.571 tỷ đồng (tăng 0,4% so với cùng kỳ) thông qua việc mở rộng các ngành hàng nhưng sẽ gặp các hạn chế về sức mua suy giảm do tình trạng lạm phát và lãi suất cao.
Lợi nhuận sau thuế có thể đạt 61,94 tỷ đồng (giảm 81% so với cùng kỳ) và 538,1 tỷ đồng (giảm 8,8% so với cùng kỳ) lần lượt cho quý IV/2022 và 2023 một phần do hiệu ứng nền cao trong quý IV/2021. Biên lợi nhuận ròng cho cả năm 2023 có thể đạt mức 2,4% của tổng doanh thu.
Theo PHS, mô hình kinh doanh của DGW độc đáo, mang tính linh hoạt giúp tận dụng cơ hội mở rộng ngành, tránh rơi vào tình trạng bão hòa. Khác với các bán sỉ thông thường chỉ nhập hàng về rồi phân phối lại cho các đơn vị bán lẻ, dịch vụ phát triển thị trường (MES) của Digiworld bao gồm cả các khâu phân tích và chiến lược, marketing, dịch vụ hậu mãi – những thứ sẽ mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho cả khách hàng và chính bản thân DGW.
PHS cho rằng DGW hiện đang có hiệu suất hoạt động rất ấn tượng so với các đối thủ cùng ngành. Các tỷ số sinh lời như ROE, ROA, biên lợi nhuận gộp, biên lợi nhuận ròng đều tích cực qua các năm và vượt trội so với các công ty trong ngành. Cùng với đó là một cơ cấu nguồn vốn ngày càng ổn định, tạo tiền đề cho việc tăng trưởng, cạnh tranh trong tương lai.
Theo PHS, định giá của cổ phiếu DGW hiện tại đang tỏ ra rất hấp dẫn. Tính đến ngày 10/1, cổ phiếu DGW được giao dịch tại mức P/E = 7,58, gần bằng với mức đáy P/E trong giai đoạn 2017-2021 là 4,46. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ròng của công ty bình quân mỗi năm trong giai đoạn này đạt lần lượt là 42,7%/năm và 63%/năm.
Sử dụng phương pháp DCF và P/E, PHS ước tính giá trị hợp lý là 42.200 đồng/cổ phiếu. PHS đưa ra khuyến nghị nắm giữ với mức tăng giá tiềm năng là 6%. Định giá của PHS đã phản ánh con số ước tính dựa trên kịch bản cơ sở trong giai đoạn 5 năm tiếp theo và chưa tính đến kết quả hợp nhất kinh doanh của Achison do chưa đủ cơ sở.
PC1: VNDirect khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 30.800 đồng/cổ phiếu
Kết quả kinh doanh quý III/2022, PC1 ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.008 tỷ đồng (giảm 4% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế giảm mạnh còn 4 tỷ đồng (giảm 97,2% so với cùng kỳ).
Lũy kế 9 tháng năm 2022, doanh thu thuần đạt 5.997 tỷ đồng (giảm 21,8% so với cùng kỳ), hoàn thành 61% kế hoạch năm và lợi nhuận sau thuế đạt 252 tỷ đồng (giảm 56,5% so với cùng kỳ), hoàn thành 33% kế hoạch năm. Ảnh hưởng từ chi phí lãi vay và khoản lỗ chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản vay có gốc ngoại tệ đã ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận sau thuế.
Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, giá năng lượng tái tạo chuyển tiếp được ban hành sẽ giúp PC1 được hưởng lợi sớm nhất khi doanh nghiệp là một trong những nhà xây lắp điện và thầu EPC điện gió hàng đầu. VNDirect nhận thấy khi Quy hoạch điện 8 và chính sách giá năng lượng tái tạo mới khi ban hành sẽ càng tiếp thêm động lực cho mảng kinh doanh này của doanh nghiệp bùng nổ.
VNDirect cho biết PC1 sẽ tiếp tục mở rộng danh mục điện tái tạo, bao gồm 81MW thủy điện nhỏ trong giai đoạn 2023- 2025. Ngoài ra, doanh nghiệp đang tiến hành khảo sát hơn 1.000MW điện gió cả trên bờ và ngoài khơi, thực hiện hóa tham vọng phát triển thêm 350MW năng lượng tái tạo từ nay đến năm 2025.
Các dự án điện gió của PC1 là một trong những dự án nổi bật của Đông Nam Á, đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn quản trị, môi trường (ESG) và đang được hưởng chính sách lãi vay rất ưu đãi (5-6%/năm) thấp hơn nhiều so với các dự án vay nội tệ (khoảng 10 - 11%).
VNDirect nhận thấy đây là một lợi thế rất lớn không chỉ cho tính hiệu quả của dự án mà đồng thời tạo tiền đề để doanh nghiệp tiếp tục được tài trợ các khoản vay chi phí vốn thấp trong tương lai.
Công ty chứng khoán này khuyến nghị khả quan đối với cổ phiếu PC1, giá mục tiêu là 30.800 đồng/cổ phiếu.
MBB: VCSC khuyến nghị mua với giá mục tiêu 27.300 đồng/cổ phiếu
Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) giả định Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, HoSE: MBB) sẽ nhận được hạn mức tín dụng cao hơn mức trung bình trong giai đoạn dự báo. Năm 2022, VCSC giả định tăng trưởng tín dụng của MBB đạt 23,6%, do tăng trưởng cho vay đạt 25% và tăng trưởng trái phiếu doanh nghiệp đạt 11,3%.
VCSC kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trung bình của MBB đạt 18,9%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng trung bình của các ngân hàng trong danh mục theo dõi của công ty chứng khoán này là 14% trong giai đoạn 2022-2027 do MBB hỗ trợ một tổ chức tín dụng yếu kém.
Ngoài ra, VCSC cho biết MBB là một trong bốn ngân hàng thuộc phạm vi theo dõi của công ty chứng khoán này có tỷ trọng trái phiếu doanh nghiệp tương đối cao, chiếm 10,3% tổng dư nợ tín dụng của ngân hàng tính đến quý III/2022.
VCSC kỳ vọng số dư trái phiếu doanh nghiệp của MBB sẽ giảm 8,6% vào năm 2023 trước khi tăng lại vào năm 2024 do phần lớn trái phiếu sẽ đáo hạn vào năm 2023 và các doanh nghiệp có thể mất một khoảng thời gian để thích ứng với các quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp theo Thông tư 65.
VCSC dự báo NIM năm 2023 sẽ giảm 4 điểm cơ bản với giả định chi phí huy động của MBB trong năm 2023 sẽ tăng 112 điểm cơ bản sau tác động của đợt tăng lãi suất 200 điểm cơ bản gần đây và giả định về một đợt tăng lãi suất 50 điểm cơ bản khác vào cuối năm 2022.
VCSC tin rằng lãi suất cho vay tăng sẽ hỗ trợ lợi suất của các tài sản sinh lời (IEA) năm 2023 tăng 95 điểm cơ bản. Ngoài ra, môi trường lãi suất tăng sẽ tiếp tục gây áp lực lên tỷ lệ CASA của MBB trong năm 2023. VCSC dự báo tỷ lệ CASA của MBB sẽ giảm 1,3 điểm phần trăm còn 38,8% vào năm 2023.
Tuy nhiên, mức CASA này vẫn ở mức cao trong phạm vi theo dõi VCSC. Ngoài ra, công ty chứng khoán này cho rằng MBB đã triển khai tốt việc đổi mới ứng dụng ngân hàng và thu hút khách hàng mới.
VCSC kỳ vọng bộ đệm dự phòng tốt của MBB sẽ hấp thụ được mức tăng của chi phí tín dụng. Theo đó, công ty chứng khoán này cho rằng lãi suất cao hơn, hoạt động sản xuất và thương mại chậm lại và khó khăn trong việc tái cấp vốn đối với các chủ đầu tư bất động sản và các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp khác sẽ dẫn đến tỷ lệ nợ xấu hình thành cao hơn.
VCSC tăng dự báo tổng chi phí dự phòng cho giai đoạn 2022-2026 thêm 13,8% do dự báo tỷ lệ xử lý nợ/khoản vay gộp của MBB sẽ đạt đỉnh, ở mức 3,4% trong năm 2024. Tuy nhiên, tỷ lệ dự phòng tổn thất cho vay (LLR) của MBB tính đến quý III/2022 ở mức tương đối cao là 208%, điều này sẽ giúp giảm bớt áp lực từ việc gia tăng chi phí trích lập dự phòng trong 2 năm tới.
VCSC giảm dự báo thu nhập ròng năm 2022 của MBB thêm 1,7% còn 18,2 nghìn tỷ đồng (tăng 37,5% so với năm 2021) so với dự báo trước đây do giảm dự báo NOII thêm 8% do kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022 thấp hơn so với dự báo.
VCSC dời giả định về việc tăng vốn của MBB thông qua phát hành 135 triệu cổ phiếu (2,9% số cổ phiếu đang lưu hành hiện tại) cho Tập đoàn Viettel và các nhà đầu tư chuyên nghiệp sang giữa năm 2023 và cuối năm 2023.
Công ty chứng khoán này điều chỉnh giảm giá mục tiêu 22,2% xuống còn 27.300 đồng/cổ phiếu, tuy nhiên giữ nguyên khuyến nghị mua đối với MBB. Giá mục tiêu thấp hơn do VCSC giảm P/B mục tiêu của MBB từ 1,75 lần còn 1,3 lần, dự báo chi phí vốn chủ sở hữu tăng từ 13% lên 15,6% và giảm dự báo lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2022-2026 xuống tổng cộng 7,7%, được bù đắp một phần nhờ tác động tích cực của việc cập nhật giá mục tiêu đến cuối năm 2023.
Đầu tư Tài chính