Chủ tịch lên tiếng trấn an nhà đầu tư, cổ phiếu DGC bật tăng trở lại

Dù kết quả kinh doanh vượt mong đợi, thế nhưng cổ phiếu DGC vẫn nằm sàn nhiều phiên liên tiếp, thậm chí giảm gần 61% so với mức đạt đỉnh hồi giữa tháng 6 năm ngoái đã khiến chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền phải lên tiếng trấn an nhà đầu tư.

Trong tâm thư, Chủ tịch Đào Hữu Huyền của Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (HOSE: DGC) khẳng định đây là lần đầu tiên sau 8 năm niêm yết, cổ phiếu DGC nằm sàn nhiều phiên liên tiếp như vậy, nhất là trong bối cảnh tình hình kinh doanh của Công ty đang đạt kết quả vượt mong đợi.

Ngày 15/11, cổ phiếu DGC có phiên giảm sàn thứ 4 liên tiếp, qua đó rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 14 tháng kể từ ngày 13/9/2021. Kết phiên, thị giá DGC chỉ còn 53.200 đồng/cổ phiếu, giảm gần 61% so với mức đỉnh 134.700 đồng/cổ phiếu đạt được hồi giữa tháng 6/2022. Vốn hóa thị trường cũng theo đó bị thổi bay hơn 29.400 tỷ đồng (~1,2 tỷ USD) sau gần 5 tháng.

Trước biến động của thị trường, Chủ tịch Huyền đã có tâm thư gửi đến các cổ đông DGC và PAT (CTCP Phốt Pho Apatit Việt Nam – Công ty “cháu” của DGC, sở hữu thông qua Công ty TNHH MTV hóa chất Đức Giang - Lào Cai).

Trong tâm tư, vị Chủ tịch cho biết, đây là lần đầu tiên DGC sập sàn phiên thứ 5 liên tiếp, cùng vào thời điểm kết quả sản xuất kinh doanh của DGC lại cao nhất từ trước đến nay.  Doanh thu ước đạt trên 14.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế ước đạt trên 6.000 tỷ đồng. Trong quý IV/2022, lãi tháng 10, 11 ước tính khoảng 800 tỷ đồng. 

 Thư gửi cổ đông của Chủ tịch HĐQT Đào Hữu Huyền. Ảnh: DGC

Trong kế hoạch kinh doanh quý IV/2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 3.299 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.100 tỷ đồng, “chắc chắn đạt kế hoạch đề ra 1.100 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế” - ông Huyền khẳng định. 

Ngoài ra, chủ tịch DGC cho biết doanh nghiệp là một trong những công ty có nền tảng tài chính tốt với số dư tiền gửi trên 8.000 tỷ đồng, số nợ vay phải trả khoảng 600 tỷ đồng. Là công ty xuất khẩu, DGC cũng hưởng lợi chênh lệch tỷ giá hàng chục tỷ đồng mỗi tháng. Ông hy vọng trong tương lai gần, cổ phiếu DGC sẽ diễn biến bình thường theo đúng giá trị vốn có.

Phiên ngày 16/11, cổ phiếu DGC tiếp tục nằm sàn ở thời điểm mở bán, nhưng pha đảo chiều bất ngờ từ thị trường đã giúp mã này bật tăng trần, do đó không cần giải trình với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Kết phiên 16/11, thị giá DGC là 56.900 đồng/cp.

Đáng nói, tính đến 10h sáng 17/11, DGC tiếp tục tăng mạnh lên 60.700 đồng/cp, tăng tới 3.800 đồng, tương đương 6,68% so với phiên hôm qua và dường như đà tăng vẫn chưa dừng lại. 

Cách đây ít ngày, khi cổ phiếu liên tục giảm sàn, Chủ tịch Huyền đã có động thái đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu DGC nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 17/11 đến 16/12 theo phương thức khớp lệnh. Nếu mua thành công, vị Chủ tịch sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 18,38%, tương đương gần 69,8 triệu cp. Ước tính, giá trị của thương vụ rơi vào khoảng hơn 57 tỷ đồng.

Về hoạt động kinh doanh, quý III vừa qua, DGC ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.696 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 1.514 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty ghi nhận doanh thu thuần đạt 11.333 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.917 tỷ đồng, lần lượt tăng 86% và 342% so với cùng kỳ năm 2021.

 

Về tình hình tài chính, tính tới ngày 30/9, tổng tài sản của DGC đạt 12.752 tỷ đồng, tăng gần 50% so với con số đầu năm. Trong đó, tài sản dài hạn giảm nhẹ 3,6% xuống còn 2.431 tỷ đồng.  Tài sản ngắn hạn hạn ghi nhận 10.320,6 tỷ đồng, tăng 72% so với đầu năm. 

Hiện DGC đang có nhiều dự án dở dang như dự án nhiệt điện, dự án Nghi Sơn, chung cư Đức Giang, Công trình xây dựng của Đức Giang Lào Cai, dự án Đắk Nông.

Ngoài ra, đến hết quý III, khoản nợ phải trả của công ty đã giảm gần 19% so với con số đầu kỳ, xuống còn 1.777 tỷ đồng. Trong đó phần lớn là khoản nợ phải trả ngắn hạn với 131 tỷ đồng. Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tăng nhẹ 4% lên 877 tỷ đồng. 

Về tình hình lưu chuyển tiền tệ, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lũy kế 9 tháng năm 2022 ghi nhận 3.976 tỷ đồng, tăng vọt gần 2 lần so với cùng kỳ, đến chủ yếu từ lợi nhuận trước thuế và lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước thay đổi vốn lưu động. 

Trong khi đó, dòng tiền đầu tư đang âm 3.740 tỷ đồng do Công ty trích tiền chi cho vay, mua các công cụ nợ của đơn vị khác hơn 6.700 tỷ đồng. Mức lỗ từ hoạt động tài chính tuy đã giảm hơn một nửa, tuy nhiên vẫn còn âm 294 tỷ đồng. Tính chung trong kỳ, dòng tiền thuần âm 58,8 tỷ đồng.

Trong báo cáo triển vọng quý IV, VCBS đã có khuyến nghị khả quan với cổ phiếu DGC trong bối cảnh giá Phốt pho vàng tiếp tục duy trì mức cao hỗ trợ lợi nhuận. Tình trạng thiếu điện tại các tỉnh sản xuất Phốt pho lớn như Vân Nam, Tứ Xuyên làm nhiều mỏ quặng phải dừng sản xuất. Trong khi đó nhu cầu cho Phốt pho vàng vẫn tích cực khi xu hướng sản xuất pin LFP đang trong giai đoạn bùng nổ. Qua đó tiếp tục hỗ trợ giá bán Phốt pho vàng và các sản phẩm dẫn xuất. Tuy nhiên, doanh số chất bán dẫn đang cho thấy mức tăng trưởng chậm lại do lo ngại về suy thoái toàn cầu. Mức sụt giảm đặc biệt lớn tại Trung Quốc có thể kéo theo sự điều chỉnh của giá Phốt pho vàng.