Theo đó, kế hoạch có 17 hành động cụ thể để thực hiện cam kết, trong đó có hành động về việc chứng minh các cơ quan có thẩm quyền đã nâng cao hiểu biết về rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố và đang thực hiện các hành động để giảm thiểu rủi ro thông qua các chiến lược và chính sách phòng chống rửa tiền,tài trợ khủng bố.
Đáng chú ý, trong 17 hành động, Chính phủ giao Bộ Tài chính xây dựng khung pháp lý để cấm hoặc điều chỉnh tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản này. Việc này hoàn thành trong tháng 5/2025, góp phần hạn chế rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố liên quan tới loại tài sản này.
Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đánh giá rủi ro về rửa tiền trong kinh doanh casino, trò chơi có thưởng và tài sản ảo, hoàn thành vào tháng 9.
Cũng theo kế hoạch của Chính phủ, các bộ ngành liên quan phải đưa ra kế hoạch cụ thể với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro rửa tiền cao, như sử dụng tiền mặt, vàng trong nền kinh tế để mua bán bất động sản, tham nhũng.
Một thông tin đáng lưu ý khác là Việt Nam cũng sẽ đảm bảo và thể hiện sự độc lập và tự chủ của Cục Phòng, chống rửa tiền. Các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan công tố ưu tiên các cuộc điều tra tài chính song song và chứng minh sự gia tăng đáng kể và bền vững về số lượng các vụ điều tra và truy tố rửa tiền, phù hợp với hồ sơ rủi ro rửa tiền của Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam chưa có định nghĩa cụ thể về tiền ảo và tài sản ảo. Các quy định hiện mới đề cập khái niệm tiền điện tử neo theo tiền pháp định, tồn tại dưới dạng thẻ trả trước ngân hàng, ví điện tử.
Các loại tiền số như như Bitcoin, Ethereum... được coi là tài sản ảo phổ biến. Trước đó, Chính phủ từng nhiều lần giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, thí điểm tiền ảo, nhằm ngăn ngừa rủi ro rửa tiền, hệ thống ngân hàng. Cơ quan quản lý nhiều lần khẳng định tiền ảo không phải là tiền tệ, phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Luật Phòng chống rửa tiền (sửa đổi) thông qua cuối 2022 chưa luật hóa các loại tiền ảo, tài sản ảo.
Song, thực tế mua bán, trao đổi tài sản ảo tại Việt Nam hiện nay được thực hiện qua các sàn giao dịch quốc tế hoặc hình thức thỏa thuận trực tiếp, tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền, cá nhân tham gia. Do đó, cách đây hai năm, Quốc hội đề nghị Chính phủ sớm có hành lang pháp lý về loại tài sản mới này.
Bà Phạm Hồng Hạnh, Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội, cho rằng Việt Nam vẫn chưa có một hành lang pháp lý cụ thể để thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Blockchain, đặc biệt là chưa có khung pháp lý liên quan đến huy động vốn qua việc phát hành tài sản mã hóa, tiền mã hóa (như ICO, ITO hay STO) và giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa, trong đó chủ yếu liên quan đến việc vận hành sàn giao dịch tài sản mã hóa, tiền mã hóa.
Điều này dẫn tới tình trạng “chảy máu chất xám”, các doanh nghiệp khởi nghiệp lĩnh vực Blockchain hiện phải đăng ký công ty ở nước ngoài, dù trụ sở làm việc, công nghệ, nhân lực… ở Việt Nam. Nếu có khung pháp lý phù hợp, việc quản lý tài sản, gọi vốn khởi nghiệp, ứng dụng công nghệ này sẽ hiệu quả hơn, bà Hạnh nói.
Đối với tài sản ảo, chưa có nhiều nước chính thức thừa nhận trên văn bản pháp luật, nhưng đã có những hành vi thực tế để dần “luật hóa” vấn đề “tài sản ảo”. Trong hội nhập và phát triển, việc thừa nhận “tài sản ảo” là tài sản trong Bộ luật Dân sự sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc xác định các giao dịch liên quan đến tài sản ảo với tư cách là tài sản trong giao dịch dân sự để có thể xác lập quyền sở hữu; đồng thời tạo cơ sở để giải quyết các hành vi phạm tội, trộm cắp, lừa đảo “tài sản ảo” đang ngày càng tăng.