Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và mất đa dạng sinh học đã ảnh hưởng lớn tới việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, phát triển kinh tế xã hội; kêu gọi thực hiện những cam kết quốc tế và hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua tăng cường hỗ trợ tài chính, xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao công nghệ, giảm thiểu rủi ro để cùng ứng phó với những thách thức chung hiện nay.
Thế giới đang đứng trước nguy cơ thảm họa khí hậu, song cánh cửa để thoát ra lại đang khép lại nhanh chóng. Sóng nhiệt, hạn hán, lũ lụt... do biến đổi khí hậu gây nên đã ảnh hưởng tới cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới. Theo Tổ chức khí tượng thế giới (WMO), lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính hiện đang cao hơn so với mức trước đại dịch.
Báo cáo của WMO cũng cho biết, có 93% khả năng kỷ lục về năm nóng nhất trên toàn cầu - hiện tại là năm 2016 - sẽ bị phá vỡ trong vòng 5 năm tới. Cơ quan này cảnh báo việc tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch đồng nghĩa với việc có tới 48% là nhiệt độ toàn cầu trung bình hàng năm tạm thời vượt quá 1,5 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp trong 1 năm của 5 năm tới.
Sau gần 3 năm, đại dịch Covid-19 tạo cơ hội để các chính phủ đánh giá lại cách thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện các quốc gia đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm như trước đây. Theo WMO, sau khi lượng khí thải giảm 5,4%, mức giảm chưa từng có, vào năm 2020 do các lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại toàn cầu vì dịch bệnh, dữ liệu sơ bộ từ tháng 1 đến tháng 5 năm nay cho thấy lượng khí CO2 phát thải toàn cầu cao hơn 1,2% so với trước khi đại dịch bùng phát. Theo đánh giá, con số này chủ yếu là lượng khí phát thải tăng hàng năm ở Mỹ, Ấn Độ và hầu hết các nước châu Âu. Tổng Thư ký WMO Petteri Taalas nhấn mạnh, rõ ràng thế giới đang đi sai hướng. WMO cho biết nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng, lên tới mức cao mới. Trong khi đó, tỷ lệ phát thải từ nhiên liệu hóa thạch hiện cao hơn mức trước đại dịch. 7 năm qua là thời kỳ ấm nhất được ghi nhận.
Tại phiên thảo luận của Ủy ban về các vấn đề kinh tế và tài chính của Khóa 77 Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc nhấn mạnh, các nước cần đảm bảo có những tiến triển thực chất trong thực hiện các cam kết quốc tế. Đồng thời cần lấy con người làm trung tâm để ứng phó với các thách thức về khí hậu và môi trường, tôn trọng nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng khác biệt, phù hợp với điều kiện, khả năng của từng nước, đảm bảo cân bằng nguồn tài chính cho việc giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Để biến các cam kết thành hành động, đại diện Việt Nam khuyến nghị các nước, ở cấp quốc gia, tiếp tục xây dựng và lồng ghép các vấn đề về biến đổi khí hậu, môi trường và đa dạng sinh học vào các khuôn khổ pháp lý, chính sách và kế hoạch hành động liên quan. Ngoài ra, các nước cũng cần xây dựng và phát triển nền kinh tế xanh và bền vững, nâng cao nhận thức chung về biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường để hình thành lối sống thân thiện và hài hòa với thiên nhiên. Bên cạnh đó, việc áp dụng khoa học, công nghệ và đổi mới trong chiến lược phát triển bền vững quốc gia cũng vô cùng cần thiết. Trong quá trình này, các đối tác phát triển quốc tế cần tiếp tục đảm bảo cho các nước đang phát triển khả năng tiếp cận tài chính, xây dựng năng lực, hợp tác khoa học và kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.
Việt Nam đã nỗ lực triển khai các biện pháp toàn diện và cụ thể nhằm thực hiện các cam kết khí hậu, bảo vệ môi trường cũng như sửa đổi và thông qua các văn bản pháp luật liên quan để hoàn thiện thể chế pháp lý, cập nhật Chiến lược Quốc gia về biến đổi khí hậu đến năm 2050 và cũng như Khoản đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC). Ngay sau khi Hội nghị COP26 kết thúc, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo và thành lập ngay Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26; ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo cùng với quy chế làm việc của Tổ công tác.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030; Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050, đồng thời, đưa ra một lộ trình tổng thể nhằm hiện thực hóa các mục tiêu khí hậu đã cam kết bằng việc tạo hành lang pháp lý, thúc đẩy và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, các ngành, các địa phương cùng có trách nhiệm giảm phát thải ròng…
Trước đó, trong thông điệp gửi tới Phiên họp hẹp cấp cao về biến đổi khí hậu được tổ chức tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York (Mỹ), Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh công cuộc ứng phó với biến đổi khí hậu cần có cách tiếp cận toàn cầu, tăng cường đoàn kết quốc tế và chủ nghĩa đa phương, với Liên Hợp Quốc đóng vai trò trung tâm, đồng thời cũng cần có cách tiếp cận toàn dân, vì người dân luôn là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực, động lực và là mục tiêu của sự phát triển và nhất là cần bảo đảm công bằng, công lý trong tổng thể chung và đối với từng quốc gia.
Mặc dù là một nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi, đi lên từ chiến tranh nên đi sau nhiều quốc gia, nhưng Việt Nam luôn là một thành viên có trách nhiệm trong ngôi nhà chung của Liên Hợp Quốc và luôn quyết tâm, chủ động thực hiện các cam kết quốc tế của mình với trách nhiệm cao nhất.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị các đối tác phát triển hỗ trợ mạnh mẽ Việt Nam về chuyển giao công nghệ, ưu đãi tài chính, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tích cực trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện thể chế, công tác quản trị. Điều này sẽ giúp Việt Nam vừa đạt được mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, vừa bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giải quyết được các vấn đề an sinh xã hội liên quan và nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân.
Lan Anh