Tập Đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI

Các địa phương tăng dự trữ hàng hoá, đảm bảo nguồn cung dịp Tết Ất Tỵ

Dịp cuối năm và cận Tết Nguyên đán, nhu cầu của người dân tăng cao cho nên các siêu thị, nhà phân phối, chợ truyền thống… đã chủ động nhập, dự trữ hàng hóa thiết yếu như: gạo, dầu ăn, thịt gia cầm, gia súc, nhất là bánh ngọt, kẹo, mứt, nước ngọt.

Liên quan đến cung ứng hàng hóa dịp Tết, tại cuộc họp Tổ Điều hành thị trường trong nước thường kỳ quý IV/2024 diễn ra ngày 7/1, ông Nguyễn Anh Đức - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho biết, các đơn vị thuộc Hiệp hội đã chuẩn bị từ sớm. Tăng trưởng của các đơn vị phân phối bán lẻ tăng mạnh trong tháng 12 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong tháng 1.

“Điểm đáng lưu ý là tăng trưởng hàng hóa Tết năm nay tập trung vào các mặt hàng thiết yếu trong các gói quà, giỏ quà phục vụ người tiêu dùng có thu nhập thấp với mức tăng lên đến 4 lần so với năm ngoái. Điều này cho thấy sự chia sẻ của cộng đồng đến đối tượng người dân dân thu nhập thấp, khu vực vùng sâu vùng xa là xu hướng trong năm nay” - ông Đức thông tin.

Tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội, Hà Nội đã ban hành Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu dịp cuối năm 2024 và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025; Kế hoạch Đảm bảo an toàn thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Ất Tỵ và Lễ hội Xuân 2025.

Thành phố đang tiếp tục chỉ đạo ngành nông nghiệp duy trì phát triển sản xuất nông nghiệp an toàn, đảm bảo nguồn cung tại chỗ và kết nối, khai thác nguồn cung hàng hóa nông lâm thủy sản từ 1.327 chuỗi của các tỉnh, thành phố theo Chương trình phối hợp giữa Bộ NN&PTNT và UBND TP. Hà Nội về “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng, giá trị chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản giữa TP. Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong cả nước giai đoạn 2021 - 2025”.

Các địa phương dự trữ hàng hoá lên tới 80% dịp Tết Ất Tỵ. Ảnh minh hoạ

Số lượng một số mặt hàng đang được các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện dự trữ cung ứng phục vụ người dân Thủ đô dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, cụ thể 298.350 tấn gạo, 59.670 tấn thịt lợn hơi, 19.890 tấn thịt gia cầm, 16.500 tấn thịt bò, 396 triệu quả trứng gia cầm, 331.500 tấn rau củ, 16.560 thủy sản, thực phẩm chế biến 16.560 tấn, trái cây 238.500 tấn…

Tại TP. Hồ Chí Minh, đại diện Sở Công Thương TP.HCM chia sẻ, các doanh nghiệp đầu mối tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chuẩn bị hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25%-43% thị phần;

Bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng 8.300 tấn gạo; 5.000 tấn thịt gia súc; 5.500 tấn thịt gia cầm; 23 triệu quả trứng gia cầm; 1.400 tấn đường; 1.100 tấn dầu ăn; 800 tấn thực phẩm chế biến; 10.000 tấn rau củ quả; 200 tấn thủy hải sản… Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ.

Để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng; không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết.

Tại Phú Thọ, ông Đặng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh cho biết, ngành công thương đang theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả hàng hóa và khả năng cung ứng hàng hóa của các đơn vị sản xuất, kinh doanh; chủ trì, phối hợp tổ chức các hoạt động kết nối, xúc tiến thương mại để hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm, thực phẩm an toàn, đặc sản vùng, miền, tạo nguồn hàng phục vụ Tết; xây dựng các điểm bán hàng đảm bảo đầy đủ hàng hóa, giá cả ổn định phục vụ Nhân dân và tổ chức triển khai các chương trình khuyến mại để kích cầu tiêu dùng.

Theo đó, tại các huyện, thị xã bố trí từ 1 đến 2 điểm bán hàng bình ổn giá, riêng thành phố Việt Trì có từ 25 đến 30 điểm bán hàng bình ổn giá, tổng số điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn toàn tỉnh có khoảng 60 điểm. Tại các điểm bán hàng bình ổn giá, các mặt hàng được sắp xếp, trang trí đảm bảo văn minh thương mại; hàng hóa được niêm yết giá, bày bán trên giá kệ, sắp xếp thuận tiện cho việc mua bán và có bảng niêm yết giá bán các mặt hàng trong chương trình.

Tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Hữu Hạnh - Phó Giám đốc Sở Công Thương Đà Nẵng cho hay, dự kiến sức mua các mặt hàng thành phố Đà Nẵng cận Tết Nguyên đán 2025 tăng 10-20% đối với tùy loại mặt hàng khác nhau. Trong đó tập trung vào các hàng hóa tiêu dùng, lương thực thực phẩm, đồ gia dụng, điện tử... Trên cơ sở đó, Sở Công Thương đã xây dựng Kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu với tổng giá trị dự trữ các mặt hàng lương thực, thực phẩm phục vụ Tết dự kiến khoảng 2.812 tỷ đồng.

Sở Công Thương Đà Nẵng cũng tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại; quảng bá, giới thiệu sản phẩm; khuyến mại, kích cầu tiêu dùng. Tổ chức Hội chợ Xuân 2025 thành phố Đà Nẵng (từ ngày 09/01/2025 đến 14/01/2025; nhằm ngày 10 đến ngày 15 tháng Chạp Âm lịch) với quy mô khoảng 200 - 250 gian hàng, gồm các mặt hàng như bánh kẹo, mứt, hàng may mặc thời trang, giày dép, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng điện tử, gia dụng... tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Đà Nẵng.

Tại Trà Vinh, theo Sở Công Thương tỉnh Trà Vinh, lượng hàng hóa thiết yếu dự trữ tại các đơn vị phục vụ bình ổn thị trường Tết đều tăng từ 50-80% so với số lượng đăng ký trước đó; tăng từ 10-30% so với cùng kỳ dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại - dịch vụ chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường Tết đa dạng và phong phú, như: hàng điện tử, điện máy, vải sợi, quần áo may sẵn, đồ nhôm, đồ nhựa... Trong số đó, nhiều mặt hàng do địa phương sản xuất như: tôm khô, bánh mứt, dưa hấu, nước đóng chai, lạp xưởng, patê - chả lụa, hoa kiểng, rau màu... cũng có sự chuẩn bị chu đáo.