Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế với rượu, bia và thuốc lá

Hiện Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý về việc đề nghị xây dựng dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi. Đáng chú ý, cơ quan này đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia.

Theo Bộ Tài chính, bia và rượu đã được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình. Như thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 50% được áp dụng từ năm 2013. Nhưng tình hình sử dụng rượu, bia ở Việt Nam vẫn ở mức cao nhất Đông Nam Á và có xu hướng tăng nhanh.

Chỉ tính riêng năm 2013, lượng bia tiêu thụ là 3 tỉ lít và tính bình quân đầu người là 32 lít/người. Còn năm 2017, lượng bia tiêu thụ đã tăng lên 4 tỉ lít, năm 2020 là 4,2 tỉ lít.

Theo quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, đồ uống Việt Nam được Bộ Công Thương phê duyệt đến năm 2025, sản lượng sản xuất đạt 6 tỉ lít bia. Mặt khác, mức thuế suất đối với rượu, bia ở Việt Nam còn ở mức thấp. Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới, mức thuế suất mới chiếm khoảng 30% giá bán lẻ. Trong khi ở nhiều nước, tỉ lệ này chiếm 40-85%.

Tại Việt Nam, rượu, bia xếp thứ 05 trong 15 yếu tố nguy cơ sức khỏe hàng đầu và gây nhiều hệ lụy nghiêm trọng về mặt xã hội do sử dụng rượu, bia gây ra, bao gồm: tai nạn giao thông, chấn thương, bạo lực gia đình, mất an ninh trật tự, gia tăng khoảng cách giàu nghèo.

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế với rượu, bia và thuốc lá. Ảnh minh hoạ

Đối với mặt hàng thuốc lá, WHO và Ngân hàng Thế giới (WB) khuyến nghị tỷ trọng thuế tiêu dùng nên chiếm 66-75% (từ 2/3 đến 3/4) trên giá bán lẻ thuốc lá. Theo đánh giá của WHO, WB, IMF và các đối tác phòng chống tác hại của thuốc lá thì giá bán thuốc lá của Việt Nam vẫn còn thấp do tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ chỉ chiếm khoảng 38,85%.

"Mặc dù đã được tăng thuế tiêu thụ đặc biệt theo lộ trình từ năm 2016-2019 nhưng, tỷ lệ hút thuốc lá ở Việt Nam vẫn ở mức cao. Như vậy, việc sử dụng thuốc lá, cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa và lộ trình tăng thuế này trong thời gian vừa qua vẫn chưa đạt mục tiêu giảm sử dụng như đã đề ra", Bộ Tài chính đánh giá.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung đồ uống có đường; nước giải khát không cồn; sản phẩm thuốc lá mới và thiết bị, bộ phận, dung dịch của thuốc lá mới; kinh doanh dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Hiện nay, ở nước ta áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá là 75%; rượu 35-65%; bia là 65%. Rượu, bia là một trong 3 nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ tai nạn giao thông ở nam giới độ tuổi 15-49. Do vậy, việc sử dụng rượu, bia cần được tiếp tục kiểm soát hơn nữa.

Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo, chính sách thuế là một trong những biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát tác hại của rượu, bia, giảm gánh nặng bệnh tật và tử vong do rượu, bia gây ra và khuyến nghị "Tăng thuế để tăng giá các mặt hàng rượu, bia đã được chứng minh có tác động mạnh đến giảm nhu cầu, đặc biệt người tiêu dùng có thu nhập thấp và thanh thiếu niên sẽ giảm sử dụng nhiều hơn khi thuế và giá rượu, bia tăng".

Theo THPL