Năm 2022, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo và chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt là chính sách giảm thuế GTGT 2% áp dụng từ ngày 1-1-2022 đến 31-12-2022 đã phát huy hiệu quả rất cao, tác động nhanh và trực tiếp, kích thích sản xuất và tiêu dùng. Tuy nhiên, các DN vẫn còn gặp nhiều khó khăn hậu COVID-19, vì vậy chính sách giảm thuế suất thuế GTGT trong năm 2023 là cần thiết để các DN có thể tiếp tục duy trì đà phục hồi, ổn định và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trong văn bản kiến nghị gửi Chính phủ và Bộ Tài chính về việc gia hạn chính sách miễn thuế GTGT 2% mới đây, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA) cho biết những tháng cuối năm 2022 xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi khi áp lực lãi suất tăng nhanh; thanh khoản hệ thống ngân hàng trở nên căng thẳng, các thị trường trái phiếu, chứng khoán, bất động sản bộc lộ nhiều rủi ro; giá nguyên liệu và chi phí vận chuyển tăng cao; nhiều DN bị cắt giảm đơn hàng…
Khó khăn về đơn hàng, nguồn vốn hiện lan rộng sang nhiều ngành, lĩnh vực, như da giày, gỗ... “Hầu hết doanh nghiệp đều sụt giảm đơn hàng, đặc biệt với hai thị trường Mỹ và EU đang giảm quá nửa. Doanh nghiệp đa phần phải cắt giảm mạnh lao động”- ông Ngô Sỹ Hoài, Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam chia sẻ.
Mới nhất, Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính tham gia ý kiến về dự thảo Nghị định Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2023.
VTCA cho biết nhận được nhiều ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội đánh giá rất cao tính hiệu quả của các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19, đặc biệt là giải pháp giảm thuế suất thuế VAT. Do đó, VTCA đề nghị Nhà nước tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua các khó khăn kinh tế, tài chính trong năm 2023 mà dự kiến sẽ còn khó khăn hơn năm 2022. Bộ Tài chính nghiên cứu trình Chính phủ, Quốc hội để tiếp tục áp dụng biện pháp giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% áp dụng trong năm 2023, Hội Tư vấn thuế Việt Nam kiến nghị.
Trước đó, Hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh (FFA) cũng có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc gia hạn chính sách thuế VAT 2% đến năm 2023. Theo hiệp hội, dù đối mặt với muôn vàn khó khăn, thách thức trong năm 2022 nhưng các doanh nghiệp chế biến lương thực thực phẩm thành phố vẫn cố gắng duy trì sản xuất, bảo đảm đời sống cho người lao động, cung ứng đầy đủ thực phẩm thiết yếu cho xã hội. “Thành quả này là nhờ Chính phủ, Bộ Tài chính đã có những chỉ đạo và chính sách hỗ trợ kịp thời, đặc biệt chính sách giảm thuế VAT 2%”.
Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn rất căng kéo và tình hình chưa thực sự ổn định. Vì thế, cần tiếp tục gia hạn chính sách giảm thuế VAT 2% trong năm nay để tiếp thêm động lực giúp doanh nghiệp vượt khó, phát triển.
Theo các chuyên gia, việc giảm thuế VAT còn mang tới hiệu ứng tăng thu, trước mắt làm giảm nguồn thu ngân sách nhưng lại kích thích hoạt động sản xuất tiêu dùng, người dân có thể đóng thuế nhiều hơn. Số liệu của Bộ Tài chính cho thấy, năm 2022, tổng số thuế miễn, giảm khoảng 50,2 nghìn tỷ đồng, bằng 78,4% số dự kiến, trong đó giảm thuế suất thuế VAT từ 10% xuống 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP khoảng 38,9 nghìn tỷ đồng; trong khi đó, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, bằng 127,8% dự toán, tăng 15% so với năm 2021.
Việc giảm thuế GTGT sẽ giúp kéo giảm giá thành sản phẩm, dịch vụ..., góp phần kiểm soát lạm phát. Việc giảm thuế GTGT sẽ giúp DN tăng sức cạnh tranh, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn làm tăng thêm doanh thu, lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa DN sẽ nộp thuế nhiều hơn để bù đắp cho nguồn thu ngân sách do giảm thuế GTGT.
Theo THPL