Bộ Tài chính vừa có báo cáo về đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Theo đó, về công tác hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật trong lĩnh vực tài chính – NSNN, Bộ Tài chính cho biết đã hoàn thành 77 nhiệm vụ được giao, trong đó đã trình Quốc hội thông qua Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), cho ý kiến Luật Giá (sửa đổi) và thông qua 03 Nghị quyết; trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 02 Nghị quyết và cho ý kiến về định hướng sửa các Luật Thuế; trình Chính phủ 47 Nghị định (trong đó đã ban hành 17 Nghị định và đang xem xét ban hành 30 dự thảo Nghị định), chiếm 43,5% tổng số Nghị định của Chính phủ ban hành (108 Nghị định).
Bộ cũng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 Quyết định, xem xét ban hành 03 dự thảo Quyết định; ban hành theo thẩm quyền 74 thông tư. Đồng thời, tập trung rà soát các Luật thuế để báo cáo cấp thẩm quyền sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới. Qua đó, góp phần hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực tài chính – NSNN, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất – kinh doanh, doanh nghiệp và người dân, tăng cường kỷ cương kỷ luật tài chính.
Ngay sau khi Quốc hội có Nghị quyết 43 về Chương trình phục hồi, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp tài khóa, tiền tệ cụ thể để thực hiện Chương trình, với quy mô các gói giải pháp khoảng 347 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2022, Bộ Tài chính đã trình cấp thẩm quyền ban hành các giải pháp chính sách tài khóa cụ thể về miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát, với quy mô 174,7 nghìn tỷ đồng.
Kết quả thu NSNN năm 2022 đạt 1.803,6 nghìn tỷ đồng, vượt 27,8% (391,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán, tăng 15% so thực hiện năm 2021; trong đó thu NSTW vượt 25,8% (190,9 nghìn tỷ), tăng 18% so thực hiện 2021; thu NSĐP vượt 29,9% (200,9 nghìn tỷ), tăng 12% so thực hiện năm 2021. Có 62/63 địa phương đã hoàn thành dự toán thu Thủ tướng Chính phủ giao
Theo Bộ Tài chính, kết quả này một mặt phản ánh tác động tích cực của phục hồi kinh tế, nhưng quan trọng phải kể đến những nỗ lực của cơ quan thu, tăng cường công tác quản lý thu, nhất là đối với các lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử.
Cụ thể, Bộ đã triển khai Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế, trong đó gồm Google, Facebook, Tiktok, Netflix,... với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng; tăng cường thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản (ước năm 2022 đạt hơn 41 nghìn tỷ đồng, tăng 97% so năm 2021).
Bộ cũng cho biết đã thực hiện trên 87,5 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu và gian lận thương mại, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; sử dụng vốn đầu tư; điều hành quản lý giá ổn định vĩ mô, chứng khoán; đã bắt giữ, xử lý trên 16 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan (trong đó có một số vụ việc điển hình về ma túy, buôn lậu xăng dầu, chuyển tiền trái phép ra nước ngoài,...). Qua đó, kiến nghị xử lý tài chính gần 73 nghìn tỷ đồng (trong đó thu nộp NSNN 21,8 nghìn tỷ). Tập trung thu hồi, xử lý nợ đọng thuế (đã thu được trên 39 nghìn tỷ đồng nợ thuế).
Trong năm 2022, Bộ Tài chính cũng cho biết đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương trong công tác quản lý giá, đặc biệt đối với mặt hàng xăng dầu đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với mặt hàng này. Đồng thời, sử dụng linh hoạt Quỹ bình ổn giá, điều chỉnh hợp lý chi phí đối với hoạt động kinh doanh đầu mối.
Đối với thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp biến động mạnh do một số vụ việc sai phạm, tác động tiêu cực của tin đồn. Bộ Tài chính đã kịp thời báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp xử lý, bình ổn thị trường, sửa đổi khung pháp lý, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư trái phiếu.
Thị trường tài chính, bất động sản khó khăn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến phát triển kinh tế năm 2023
Bộ Tài chính nhận định diễn biến tình hình những tháng cuối năm 2022 đã cho thấy còn nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp bị thu hẹp, nhu cầu và thị trường xuất khẩu giảm sút, lạm phát và chi phí sản xuất còn ở mức cao.
Bên cạnh đó, các thị trường tài chính, bất động sản, chứng khoán khó khăn, thiên tai bão lũ và dịch bệnh tiềm diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro,... dự báo sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023.
Để bảm bảo mục tiêu ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, chống lạm phát, đảm bảo cân đối lớn nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương, địa phương tập trung triển khai dự toán NSNN năm 2023 được giao; phân bổ, giao dự toán đảm bảo thời hạn quy định.
Bên cạnh đó, cần chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra ngay từ ngày đầu, tháng đầu năm 2023; có kế hoạch, giải pháp triển khai chi tiết, khả thi, nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành và vượt các mục tiêu đề ra.
Bộ Tài chính cũng cho hay sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất các giải pháp chính sách tài khóa hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, Bộ đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về giảm thuế bảo vệ môi trường trong năm 2023 (thực hiện từ ngày 01/01/2023).
Qua đó, Bộ cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương quyết liệt công tác thu, phấn đấu tăng thu NSNN so dự toán được giao; tổ chức điều hành chi NSNN theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.
Theo Bộ tài chính, các địa phương cần chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp để xử lý các nhiệm vụ chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và nhiệm vụ chi quan trọng, cấp bách, đột xuất phát sinh theo quy định.
Cùng với đó, tập trung tái cơ cấu, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước; đẩy nhanh tiến độ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, bảo đảm dự toán thu NSNN.
Đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, ngân sách trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch trong quản lý thu, chi NSNN, tài sản công, đất đai, tài nguyên,..