Có tình trạng thuế chồng thuế trong thuế tài sản
Theo nghiên cứu được VATJ đưa ra tại diễn đàn “Chính sách tài khóa và phát triển 2022” (sáng 24/11), nhiều quốc gia đánh thuế tài sản, trong đó, thuế bất động sản là một trong những loại phổ biến nhất.
Tại Việt Nam, thuế thu trên tài sản đã được hình thành từ sớm như thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Từ cuối năm 2009, Dự án Luật Thuế nhà, đất gồm 15 điều đã được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến công luận, nhưng vì nhiều lý do khác nhau dự án luật thuế nhà đất đã “lỡ hẹn” lần một.
Năm 2010 và 2016 vấn đề này tiếp tục được đề cập. Lần gần nhất Luật Thuế tài sản được đưa ra thảo luận rộng rãi là khi Bộ Tài chính công bố dự thảo Luật Thuế tài sản vào năm 2018 cùng với các luật thuế khác trong bối cảnh tình hình ngân sách của Việt Nam mất cân đối thu chi kéo dài và khả năng cải thiện thấp.
VATJ cho hay có nhiều vấn đề vướng mắc khi Dự thảo Luật Thuế tài sản (2018) được đưa ra lấy ý kiến. Trong đó, vấn đề gây tranh cãi nhiều nhất là tên gọi “thuế tài sản”. Đây là một cách gọi khá mơ hồ và hiện tại không có quốc gia nào sử dụng tên này mà dùng các khái niệm rõ ràng hơn.
VATJ nhấn mạnh theo kinh nghiệm quốc tế, thuế tài sản, đặc biệt là thuế bất động sản, là loại thuế mang tính địa phương. Việc áp dụng luật thuế đại trà như trong dự thảo của Bộ Tài chính là đi ngược lại với thông lệ quốc tế, khó thực hiện.
Ngoài ra, VATJ khẳng định tình trạng thuế chồng thuế khi đối tượng được quy định trong dự thảo Luật Thuế tài sản như đất phi nông nghiệp hiện đang là đối tượng chịu thuế trong Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp. Thêm vào đó, tàu bay, du thuyền và ô tô cũng đang là đối tượng chịu thuế của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Liên quan đến thuế suất, VATJ cho biết các mức thuế suất được đưa ra trong dự thảo Luật Thuế tài sản cao hơn khoảng 6,7 - 10 lần so với mức thuế suất hiện hành của Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
VATJ nhấn mạnh mức thuế suất bổ sung được đề xuất đối với tài sản là đất không đưa vào sử dụng hiện đang thấp hơn so với thông lệ quốc tế (mức đề xuất là 1-2% trong khi đó có những nước lên tới 10-20%).
Tại Nghị quyết số 30/NQ-CP ngày 11/3/2022, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự án Luật Thuế tài sản để trình lên Quốc hội trong giai đoạn 2024-2025.
“Do nguồn thu từ dầu thô và thuế nhập khẩu giảm trong những năm gần đây, huy động ngân sách của Việt Nam gặp nhiều khó khăn. Khi nguồn ngân sách bị lệ thuộc vào các loại thuế gián thu như thuế giá trị gia tăng, việc tăng cường thu thuế trực thu, trong đó có thuế tài sản là một giải pháp có thể hiểu được”, VATJ khẳng định.
VATJ cũng cho rằng không có thuế tài sản chung chung, mà cần cụ thể hóa thành một loại thuế nào đó, có bản chất liên quan đến tài sản. Ở Việt Nam đã có một số loại thuế như vậy, như thuế trước bạ, thuế sử dụng đất nông nghiệp và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Phân bổ chi tiêu hợp lý thay vì tăng thuế
Nhiều chuyên gia cho rằng nếu nhất quyết phải thông qua Luật Thuế tài sản thì chỉ đánh thuế trên bất động sản và dưới tên gọi thuế bất động sản.
Hơn nữa, theo VATJ việc thiết kế luật thuế tài sản như thế nào cho phù hợp không hề đơn giản mà phải có mục đích rõ ràng.
Theo kinh nghiệm quốc tế, thuế tài sản, đặc biệt là thuế bất động sản, là loại thuế mang tính địa phương trong đó chính quyền địa phương có quyền hạn nhất định trong thiết kế luật thuế.
Như vậy, theo VATJ, việc áp dụng luật thuế đại trà như trong dự thảo của Bộ Tài chính là đi ngược lại với thông lệ quốc tế, khó thực hiện.
"Thiết nghĩ, chính quyền địa phương ở Việt Nam cũng nên được trao quyền hạn nhất định trong việc áp dụng thuế tài sản, vì họ là những người hiểu cộng đồng dân cư ở khu vực họ quản lý nhất nên sẽ có những điều chỉnh để luật thuế phù hợp hơn với địa phương”, VATJ nêu.
Cũng theo VATJ, không giống như thuế của cải ròng nhằm mục đích tái phân bổ thu nhập, thuế bất động sản hiện nay, ngoài việc tăng thu ngân sách, thì còn có chức năng chính là phân bổ lại khu vực dân cư (zoning).
“Chỉ những người thực sự có khả năng chi trả mức thuế cao (người giàu) mới chọn ở những khu vực trung tâm đô thị với đời sống và tiện nghi cao. Đây cũng là cách làm của các nước trên thế giới. Thực tế này có thể gây bất bình với tầng lớp dân thành thị có thu nhập trung bình và thấp.
Thêm vào đó, nếu các khoản thu chi của chính quyền không được minh bạch và người dân không thấy được lợi ích từ việc đóng thuế thì ngay cả tầng lớp giàu cũng phản đối luật thuế bất động sản”, VATJ nhấn mạnh.
Do đó, VATJ cho rằng trước khi xây dựng luật thuế hoàn chỉnh, chính quyền cần thuyết phục người dân về tính hợp lý của các khoản chi tiêu. Minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu chi ngân sách cần phải được nâng cao hơn.
“Đơn vị nghiên cứu nhận định một số sản phẩm lâu bền được coi là tài sản cần lưu ý tránh áp thuế tài sản để tránh bị trùng, hoặc có thể sử dụng các loại thuế khác tiện lợi hơn như thuế trước bạ hay thuế tiêu thụ đặc biệt”, VATJ nêu rõ.
Cuối cùng, VATJ cho rằng việc cải thiện ngân sách ở Việt Nam cần bắt nguồn từ tiết kiệm và phân bổ chi tiêu hợp lí, chứ không phải từ tăng cường thu từ các sắc thuế.
Đây là nhiệm vụ cấp bách của Chính phủ vì tình hình ngân sách vẫn là điểm tối những năm gần đây khi chi thường xuyên không có dấu hiệu giảm và chi đầu tư phát triển còn thấp và giải ngân chậm chạp.
Theo Đầu tư Tài chính