Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản 140/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về việc đánh giá, nghiên cứu đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được phân kỳ đầu tư.
Để sớm triển khai nâng cấp các tuyến đường cao tốc, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông Vận tải theo thẩm quyền và chức năng, nhiệm vụ được giao nghiên cứu, rà soát, chủ động, tích cực thực hiện các giải pháp sớm nâng cấp các tuyến đường cao tốc đã được đầu tư, khai thác với quy mô phân kỳ đầu tư theo yêu cầu của Quốc hội và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng lưu ý khẩn trương xây dựng và ban hành Quy chuẩn đường bộ cao tốc theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 794/CĐ-TTg ngày 12/9/2023 làm căn cứ tổ chức quy hoạch, thiết kế, quản lý đầu tư xây dựng và vận hành an toàn, hiệu quả đường bộ cao tốc.
Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu phương án đầu tư nâng cấp các tuyến đường này theo phương thức PPP để huy động tối đa các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, báo cáo kết quả thực hiện theo yêu cầu của Quốc hội.
Liên quan đến các dự án đã được phân kỳ đầu tư, theo Bộ Giao thông vận tải, cả nước đưa vào khai thác 12 tuyến cao tốc theo quy mô phân kỳ đầu tư, với tổng chiều dài 743km, chiếm 40% tổng chiều dài đường bộ cao tốc đang khai thác. Trong số đó có 5 tuyến cao tốc 2 làn xe với chiều dài 371km gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Yên Bái - Lào Cai, Hòa Lạc - Hòa Bình, Thái Nguyên - Chợ Mới.
Bên cạnh đó, có 7 tuyến 4 làn xe có dải dừng xe khẩn cấp không liên tục với chiều dài 372 km gồm: Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Nha Trang - Cam Lâm, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Trung Lương - Mỹ Thuận. Nhiều tuyến dù mới khai thác khoảng 1 năm đã rục rịch nghiên cứu phương án mở rộng như: cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan...
Theo đánh giá của Bộ Giao thông vận tải, quy mô phân kỳ đầu tư các tuyến cao tốc phù hợp với nhu cầu vận tải trong giai đoạn lưu lượng xe chưa lớn, khoảng 5.000 - 6.000 xe/ngày đêm, đặc biệt hiệu quả với các tuyến cao tốc kết nối với các tỉnh miền núi, khu vực khó khăn, thời giai khai thác phân kỳ từ 6 - 10 năm.
Hơn nữa, trong bối cảnh nhu cầu đầu tư đường bộ cao tốc rất lớn nhưng nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn chế, huy động nguồn vốn ngoài ngân sách khó khăn. Giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giao thông vận tải dự kiến nhu cầu đầu tư cho hạ tầng giao thông khoảng 462.000 tỷ đồng, trong khi nguồn vốn được phân bổ hơn 304.000 tỷ đồng, đáp ứng 66% nhu cầu, phần lớn được ưu tiên đầu tư đường cao tốc. Mục tiêu đặt ra đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông.