Theo , các nút giao được thông xe tạm, ô tô có thể chạy vào gồm: nút giao quốc lộ 56 (huyện Cẩm Mỹ, Đồng Nai), nút giao tỉnh lộ 765 (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai).
Tại Bình Thuận, hai nút giao tỉnh lộ 720 và quốc lộ 55 qua huyện Hàm Tân đi thị xã La Gi, Tánh Linh, Đức Linh cũng được thông xe.
Trước đó, khi cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây được thông xe ngày 29/4, chỉ có 3/7 nút giao được khai thác là cao tốc Long Thành - Dầu Giây, quốc lộ 1A qua huyện Xuân Lộc, Đồng Nai và đường nối Ba Bàu với quốc lộ 1A thuộc huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận. 4 nút giao với quốc lộ 56 qua thành phố Long Khánh, ĐT 765 qua huyện Xuân Lộc, Đồng Nai và nút giao quốc lộ 50, ĐT 720 qua huyện Hàm Tân, Bình Thuận chưa thi công xong.
Hiện, các nhà thầu thảm xong lớp nhựa, bêtông nền và làm trạm thu phí nên chủ đầu tư đã tổ chức cho thông xe tạm nhằm tạo thuận lợi cho người dân đi lại. Trong thời gian cho thông xe tạm trên các nút giao này, nhà thầu và chủ đầu tư chịu trách nhiệm phân luồng giao thông hợp lý nhất để hoàn thiện tất cả các hạng mục còn lại, chờ các cơ quan thẩm quyền nghiệm thu.
Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết khởi công ngày 30/9/2020, với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Bộ Giao thông Vận tải cho phép các xe chạy trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tốc độ tối đa 120 km/h và tối thiểu 60 km/h.
Đường cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài khoảng 99km đi qua 2 tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai. Dự án đã được thông xe tuyến chính vào ngày 29/4 vừa qua, rút ngắn hành trình từ TP.HCM đi Bình Thuận chỉ còn khoảng 2 giờ, theo báo Đồng Nai.