Bình Thuận: 13 dự án điện mặt trời và điện gió xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia

Kết luận của Thanh tra Chính phủ chỉ ra, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 13 dự án điện mặt trời và điện gió đã đầu tư xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia …
du-an-dien-mat-troi-1703776623.jpeg13 dự án điện mặt trời và điện gió tại tỉnh Bình Thuận xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia. (ảnh minh họa)
 

Cụ thể, theo Kết luận của Thanh tra Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 13 dự án điện mặt trời và điện gió đã đầu tư xây dựng trên đất dự trữ khoáng sản quốc gia theo Quyết định số 645/QĐ-TTg.

Trong đó: Nhà máy Điện mặt trời Hồng Liêm 3 xây dựng trên đất hoạt động khoáng sảnNhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 còn xây dựng trên 40,57 ha rừng, đến thời điểm thanh tra chưa thực hiện xong việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác.

Theo giải trình của UBND tỉnh Bình Thuận, dự án Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng để thực hiện dự án tại Văn bản số 454/TTg-NN ngày 06/4/2021 và Văn bản số 260/TTg-NN ngày 18/3/2022; UBND tỉnh đã phê duyệt Phương án trồng rừng thay thế tại Quyết định số 1028/QĐ-UBND ngày 27/4/2021, Công ty cổ phần Năng lượng Hòa Thắng đã nộp Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Bình Thuận số tiền 10,359 tỷ đồng theo Phương án phê duyệt. 

Việc các bộ (Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng và UBND tỉnh Bình Thuận) đề nghị địa điểm xây dựng Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2; các bộ (Công Thương, Tài nguyên và Môi trường và UBND tỉnh Bình Thuận) đề nghị địa điểm xây dựng Nhà máy điện gió Thái HòaNhà máy điện gió Đại PhongNhà máy điện gió Hồng Phong 1, Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1A, Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1B, đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận; Bộ Công Thương chấp thuận địa điểm, cho phép triển khai xây dựng dự án Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 5.2, Nhà máy Điện mặt trời Hàm Kiệm 1, Nhà máy Điện mặt trời Mũi Né, Nhà máy Điện mặt trời Hàm Kiệm, Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 4, Nhà máy điện gió Phú Lạc-Giai đoạn 2, Nhà máy điện gió Phong điện 1. Các nhà máy đều xây dựng trên đất mặt khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia là không có cơ sở pháp luật, vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 3 Quyết định số 645/QĐ- TTg; khoản 8 Điều 35 Luật Đất đai 2013; khoản 1 Điều 13 Thông tư số 02/2019/TT-BCT.

Bộ Công Thương, UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận địa điểm, cho phép xây dựng Nhà máy Điện mặt trời Hồng Liêm 3 tại xã Hồng Liêm trên đất Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan theo Quyết định số 1546/QĐ-TTg ngày 03/9/2013 của Thủ tướng Chính phủ là vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 152, khoản 8 Điều 35 Luật Đất đai 2013.

Ngoài ra, kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng cho rằng, việc UBND tỉnh Bình Thuận cho các doanh nghiệp gồm: Công ty CP Năng lượng Thiên Niên Kỷ, Công ty CP Đầu tư và Xây lắp điện số 8 Bình Thuận, Công ty CP năng lượng Hồng Phong 1, Công ty CP năng lượng Hồng Phong 2, Công ty CP Đức Thành Mũi Né, Công ty CP Điện mặt trời Trường Thành - Bình Thuận được thuê đất 50 năm với mục đích xây dựng công trình năng lượng là không có cơ sở pháp luật.

du-an-dien-mat-troi-1-1703776610.jpegThanh tra Chính phủ phát hiện, Nhà máy Điện mặt trời Hồng Liêm 3 xây dựng trên đất hoạt động khoáng sản. Trong khi, Nhà máy điện gió Hòa Thắng 1.2 xây dựng trên 40,57 ha rừng. (ảnh minh họa)
 

UBND tỉnh Bình Thuận cho Công ty cổ phần điện gió Hồng Phong 1 thuê 14,75 ha đất, thời hạn sử dụng đất là 05 năm để xây dựng Dự án Nhà máy điện gió Hồng Phong 1 (Quyết định số 3010/QĐ- UBND ngày 04/11/2021); cho Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình thuê 6,15 ha đất, thời hạn sử dụng đất là 05 năm để đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy điện gió Phú Lạc - Giai đoạn 2 (Quyết định số 3011/QĐ-UBND ngày 04/11/2021) là thực hiện không đúng quy định tại khoản 1 Điều 13 Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương.

“Trường hợp nhà đầu tư chuyển nhượng dự án/cổ phần dự án cho nhà đầu tư nước ngoài thì sẽ khó khăn trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản, phức tạp trong việc bồi thường khi thu hồi đất để khai thác khoáng sản...”, kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.

Bên cạnh đó, việc UBND tỉnh Bình Thuận cho Công ty cổ phần điện gió Hồng Phong 1 thuê đất để đầu tư xây dựng Dự án Nhà máy điện gió Hồng Phong 1, công suất 40 MW với diện tích 14,75 ha, tăng sai 0,75 ha (Quyết định số 3010/QĐ-UBND), vi phạm khoản 2 Điều 12 Thông tư số 02/2019/TT-BCT ngày 15/01/2019 của Bộ Công Thương.

Bộ Công Thương phê duyệt kết quả thẩm định Thiết kế kỹ thuật Nhà máy Điện mặt trời Hồng Phong 1A, công suất 150 MWp, diện tích sử dụng đất là 207 ha, tăng sai 27 ha (Văn bản số 105/ĐL-NLTT ngày 19/01/2019); thực tế UBND tỉnh Bình Thuận đã cho Công ty cổ phần năng lượng Hồng Phong 1 thuê 195,04 ha đất để xây dựng Nhà máy ĐMT Hồng Phong 1A, tăng sai 15,4 ha là vi phạm khoản 4 Điều 10 Thông tư số 16/2017/TT-BCT ngày 12/9/2017 của Bộ Công Thương.

Kết luận của Thanh tra Chính phủ còn chỉ ra nhiều sai phạm của chủ đầu tư dự án điện mặt trời và điện gió tại tỉnh Bình Thuận như chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai vào thời điểm thanh tra (tháng 5/2022), vi phạm trong việc khởi công thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, việc công nhận ngày vận hành thương mại, đưa 12/13 dự án vào sử dụng khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra công tác nghiệm thu và ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư (kết luận công trình đủ điều kiện để đưa vào sử dụng và sẵn sàng bán điện) là vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành.

Trên cơ sở kết quả thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan, UBND tỉnh Bình Thuận thực hiện các biện pháp xử lý trách nhiệm và xử lý kinh tế đối với các vi phạm.

Đặc biệt, Thanh tra Chính phủ đã chuyển đến Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an hồ sơ vụ việc vi phạm quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai thực hiện đầu tư xây dựng các dự án điện mặt trời, điện gió trên đất Quy hoạch dự trữ khoáng sản quốc gia/Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng titan tại tỉnh Bình Thuận (Văn bản số 80/TTCP-V.I ngày 21/02/2023 của Thanh tra Chính phủ).