BIDV được chấp thuận tăng vốn điều lệ lên gần 69.000 tỷ đồng

NHNN vừa chấp thuận cho BIDV tăng vốn điều lệ thêm 11.971 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Như vậy, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng từ 57.004 tỷ đồng lên 68.975 tỷ đồng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - mã chứng khoán: BID) tăng vốn điều lệ tối đa 11.971 tỷ đồng theo phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ theo luật định năm 2022 đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

Theo nghị quyết phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức, từ nguồn lợi nhuận còn lại sau trích lập các quỹ năm 2022 được HĐQT thông qua, BIDV sẽ phát hành hơn 1.197 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ thực hiện quyền là 21%, vào quý IV/2024 và quý I/2025. Theo đó, mức vốn điều lệ dự kiến sẽ tăng từ 57.004 tỷ đồng lên hơn 68.975 tỷ đồng, tức tăng thêm hơn 11.970 tỷ đồng.

Vốn tăng thêm sẽ được BIDV tập trung cho cơ cấu danh mục tín dụng, ưu tiên doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp FDI có tiềm năng và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng xanh, bán lẻ. Đồng thời, ngân hàng sẽ đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, chuyển đổi số, tăng năng lực cạnh tranh...

Tại hội nghị nhà đầu tư mới đây, lãnh đạo BIDV cho biết ngân hàng này đang làm việc với các nhà đầu tư tiềm năng để có thể phát hành riêng lẻ đợt 1 tỷ lệ 2,9% trong quý I/2025, phần còn lại (6,1%) sẽ được thực hiện sau đó tùy thuộc vào điều kiện thị trường.

Trong năm 2024, BIDV chưa thực hiện đợt chi trả cổ tức nào. Lần chia cổ tức gần nhất của ngân hàng này diễn ra vào tháng 12/2023 với nguồn chi trả lấy từ lợi nhuận còn lại sau thuế và trích lập các quỹ năm 2021.

bidv-bank-1733756911.jpeg
 

Theo danh sách cổ đông lớn của BIDV tại ngày 27/11/2024, với tỷ lệ sở hữu 80,99% vốn BIDV, NHNN sẽ được nhận thêm hơn 969 triệu cổ phiếu từ đợt phát hành này. Tiếp đến là cổ đông ngoại KEB Hana Bank sở hữu 15% vốn BID, dự kiến sẽ được nhận thêm gần 180 triệu cổ phiếu mới.

Hiện tỷ lệ an toàn vốn (hệ số CAR) riêng lẻ của BIDV vào cuối 2023 ở mức 8,85%, vẫn đáp ứng yêu cầu tối thiểu 8% của NHNN.

Theo định hướng cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia năm 2030, Chính phủ đặt mục tiêu tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại giai đoạn 2021 - 2025 đạt 11-12%, đến 2030 tối thiểu 12%. Vì vậy, để đạt hệ số CAR theo mức này, BIDV cho biết nhu cầu cần thiết tiếp tục gia tăng vốn tự có.

Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý III, lợi nhuận trước thuế quý III của BIDV đạt 6.498 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Lũy kế 9 tháng, lợi nhuận trước thuế của BIDV là 22.047 tỷ đồng, tăng 12%. Tuy nhiên, lợi nhuận BIDV vẫn xếp sau MB, Techcombank và VietinBank.

Tới cuối quý III, tổng tài sản của BIDV ở mức 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 1,95 triệu tỷ đồng, tăng 9,84%. Tiền gửi khách hàng đạt 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 9,9%. Số dư nợ xấu của BIDV là 33.385 tỷ đồng, tăng 49% so với đầu năm, ứng với tỷ lệ nợ xấu 1,71%.

Không chỉ BIDV, mới đây, Quốc hội cũng thông qua chủ trương bổ sung vốn gần 20.700 tỷ đồng cho "ông lớn" Vietcombank. Theo kế hoạch này, trong thờ gian tới, Vietcombank có thể phát hành cổ phiếu tỷ lệ 49,5% để chi trả cổ tức, tăng vốn lên 83.557 tỷ đồng. Đây có thể là mức cao nhất ngành ngân hàng.