Bà Rịa - Vũng Tàu: Phát triển thị trường KHCN theo hướng hiện đại, phù hợp bối cảnh CM 4.0

Nhằm hình thành và phát triển thị trường khoa học và công nghệ theo hướng hiện đại, phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, UBND tỉnh đã Quyết định ban hành Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, giá trị giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ hàng năm tăng bình quân đạt 25%, trên 30% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực; tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt trên 15%; Góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia về tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong tỉnh đạt trên 35% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước;
 
Đẩy mạnh giới thiệu và quảng bá các sản phẩm khoa học và công nghệ do doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, sản xuất, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung, cầu công nghệ trên địa bàn tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước; Hỗ trợ hình thành ít nhất 03 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; Hỗ trợ đào tạo ít nhất 15 chuyên gia tư vấn, chuyển giao công nghệ của tổ chức trung gian; Hình thành cơ sở dữ liệu về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lắp ráp và các ngành công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh BR-VT; Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh BR-VT.
 

Ảnh minh họa.

Đến năm 2030, giá trị giao dịch hàng hóa khoa học và công nghệ hàng năm tăng bình quân đạt 30%, trên 35% đối với một số lĩnh vực, ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tỷ trọng giao dịch tài sản trí tuệ đạt 20%; Góp phần hoàn thành mục tiêu quốc gia về tỷ trọng giao dịch công nghệ từ các viện nghiên cứu, trường đại học trong tỉnh đạt trên 40% trong tổng giao dịch công nghệ có nguồn gốc trong nước;
 
Tiếp tục đẩy mạnh và giới thiệu, quảng bá các sản phẩm khoa học và công nghệ do doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, sản xuất, đẩy mạnh hoạt động kết nối cung, cầu công nghệ trên địa bàn tỉnh với các đối tác trong và ngoài nước; Tập trung nguồn lực phát triển 03 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, trong đó phát triển 01 tổ chức trung gian có vai trò đầu mối phục vụ phát triển của các ngành.
 
Tiếp tục hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của chuyên gia tư vấn, chuyển giao công nghệ các tổ chức trung gian; Rà soát, cập nhật, bổ sung cơ sở dữ liệu về trình độ và năng lực công nghệ sản xuất thuộc các ngành, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, lắp ráp và công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; Tiếp tục phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đã đề ra 07 nhiệm vụ trọng tâm cơ bản, đó là: (1) Triển khai các văn bản của bộ, ngành trung ương; các cơ chế, chính sách,quy định pháp lý hỗ trợ phát triển thị trường khoa học và công nghệ; (2) Thúc đẩy phát triển nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp;

(3) Thúc đẩy phát triển nguồn cung của thị trường khoa học và công nghệ; (4) Phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; (5) Tăng cường hoạt động xúc tiến thị trường khoa học và công nghệ; (6) Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, truyền thông và hội nhập quốc tế về thị trường khoa học và công nghệ; (7) Phát triển hạ tầng của thị trường khoa học và công nghệ.

Sở Khoa học và Công nghệ là cơ quan chủ trì, phối hợp với sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Chương trình. Sở cũng có trách nhiệm tham mưu UBND tỉnh nội dung cần cập nhật để điều chỉnh Chương trình cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời rà soát, lồng ghép các nội dung của Chương trình với các Chương trình khoa học và công nghệ khác để tăng cường hiệu quả.