Biến đổi khí hậu là một vấn đề toàn cầu, cần sự quan tâm và hành động nhằm hạn chế tác động tiêu cực, cải thiện dần những tổn thương đến môi trường, nhất là khi Việt Nam đang bước vào thời kỳ phổ biến sử dụng ô tô, đặc biệt ở các thành phố lớn.
Liên quan đến thông tin trên, PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc - Giám đốc Chương trình Đào tạo Kỹ thuật Ô tô - Trường Cơ khí, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, hiện nay hầu hết các thành phố lớn của Việt Nam đã và đang đối mặt với ô nhiễm không khí. Theo đó, nồng độ PM2.5 trung bình năm của Việt Nam khoảng 24,7 μg/m3, cao gấp 5 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Theo ông Phúc, giao thông vận tải là một trong những nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm không khí. Trong khi đó, số lượng phương tiện cơ giới đường bộ ngày càng tăng nhanh khiến lượng phát thải ngày càng cao.
Theo một số nghiên cứu, ngành giao thông vận tải tiêu thụ trên 55% lượng nhiên liệu dầu mỏ và phát thải lên đến 25% tổng lượng CO2 toàn cầu. Trong đó, tỷ lệ này từ các phương tiện giao thông đường bộ chiếm tới 17%.
PGS.TS. Đàm Hoàng Phúc cho rằng, điện hóa phương tiện là một trong những biện pháp quan trọng nhất để giảm phát thải cho ngành giao thông vận tải. “Việc điện hóa phương tiện giao thông đường bộ có thể giảm đến 1/3 khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải vào năm 2030”, PGS.TS Đinh Hoàng Phúc chia sẻ.
Để góp phần bảo vệ môi trường, giảm ô nhiễm không khí, hướng đến cam kết của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, những năm qua, các hãng ô tô thuộc ở Việt Nam đã không ngừng đổi mới công nghệ, giới thiệu tới người tiêu dùng những dòng xe tiết kiệm nhiên liệu, giảm phát thải, thân thiện với môi trường và đặc biệt là xe điện.
Với mong muốn giảm phát thải từ xe ô tô để bảo vệ môi trường và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, các hãng ô tô, đặc biệt là các thành viên VAMA và VIVA không ngừng cải tiến, ra mắt các mẫu xe mới với các công nghệ thân thiện với môi trường.
Trong trào lưu thân thiện môi trường chung của cả thế giới, ngành công nghiệp ô tô nói chung và mỗi hãng xe trong đó nói riêng chắc chắn không thể có sự lựa chọn phát triển nào khác. Việc “xanh” hóa sản phẩm lẫn các khâu sản xuất không chỉ giúp mỗi thương hiệu dễ tiếp cận với người tiêu dùng hiện đại hơn, mà còn cho phép cắt giảm đáng kể chi phí (điển hình là chi phí xử lý rác thải, nước thải…). Do đó, việc mang đến nhiều sự lựa chọn và các sản phẩm thân thiện hơn với môi trường sẽ sớm trở thành ưu tiên hàng đầu của các thương hiệu xe trong thời gian tới, không chỉ là nâng cao hiệu suất nhiên liệu của các dòng xe hay đầu tư cho các dự án phát triển phương tiện hoạt động bằng điện, mà còn cả các công nghệ phát triển bền vững cho tương lai.