Có thể thấy, thế giới đang dần chuyển sang một trạng thái mới – một chu kỳ kinh tế mới. Trong giai đoạn giao thời với nhiều biến động, cộng đồng doanh nghiệp phải đối mặt với khó khăn chồng khó khăn từ những hệ lụy của đại dịch cho tới cuộc xung đột Nga - Ukraine, chiến lược Zero-COVID tại Trung Quốc tiếp tục làm trầm trọng hơn tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá năng lượng và thực phẩm tăng, lạm phát leo thang và lãi suất tăng mạnh…
Đứng trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới đã có động thái tái định vị chuỗi cung ứng của mình, hình thành xu hướng toàn cầu hóa kiểu mới – hậu COVID-19. Đây là một thách thức đồng thời cũng là một cơ hội to lớn đối với các doanh nghiệp Việt nói chung và ngành logistics nói riêng.
Để có thể vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp trong nước cần phải thích ứng linh hoạt, liên tục đổi mới để nâng cao khả năng hiển thị, cho phép hoạt động kỹ thuật số, hỗ trợ khách hàng với các dịch vụ và mô hình kinh doanh mới, đồng thời đảm bảo hoạt động hậu cần an toàn để đối phó với những thay đổi trong trung và dài hạn.
Nhìn lại bức tranh kinh tế ngành logistic năm 2022 có thể thấy, ngành logsitics có một phần đóng góp không nhỏ vào kết quả của thị trường này xuất nhập khẩu Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong 11 tháng năm 2022 ước đạt gần 673,82 tỷ USD (vượt con số 668,54 tỷ USD của cả năm 2021).
Tính chung 11 tháng năm 2022, tổng khối lượng vận tải hàng hóa của nước ta ước đạt 1.832,9 triệu tấn, tăng 24,6% so với cùng kỳ năm 2021 trong đó vận tải đường bộ đảm nhiệm 74,0%, tiếp theo là đường thủy nội địa với 20,3%, vận tải đường biển chỉ chiếm 5,4% nhưng vẫn cao hơn hẳn tỷ trọng của vận tải đường sắt (0,3%) và hàng không (0,01%).
Theo kết quả nghiên cứu của Vietnam Report vừa được công bố hôm nay (30/11/2022), kết quả kinh doanh của phần lớn các doanh nghiệp trong ngành đều rất tích cực. 68,4% số doanh nghiệp tham gia khảo sát do Vietnam Report thực hiện trong tháng 10-11/2022 cho biết doanh thu 9 tháng đầu năm nay đã tăng lên so với cùng kỳ năm 2021, trong đó có đến 26,3% ghi nhận mức tăng lên đáng kể. Theo báo cáo tài chính của 34 doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn chứng khoán, có 64,7% số doanh nghiệp vẫn duy trì được đà tăng trưởng doanh thu so với trước đại dịch (con số này là 35,3% vào thời điểm cách đây một năm).
Top 5 thách thức mà doanh nghiệp logistics đang đối mặt
Khảo sát của Vietnam Report cho thấy những khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp logistics đang đối mặt bao gồm: (1) Biến động giá năng lượng, nguyên vật liệu đầu vào; (2) Cạnh tranh giữa các doanh nghiệp cùng ngành; (3) Rủi ro từ chuỗi cung ứng; (4) Bất ổn chính trị trên thế giới; và (5) Nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm.
Thách thức lớn nhất – Biến động giá năng lượng – là điểm khác biệt lớn nhất trong bức tranh kinh tế ngành logistics năm nay, bắt nguồn từ cuộc xung đột chính trị Nga – Ukraine bắt đầu từ tháng 3, kéo theo cú sốc lớn đến nguồn cung làm cho thị trường năng lượng toàn cầu biến động mạnh.
Chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí hoạt động, đặt ra bài toán lớn cho các doanh nghiệp ngành logistics về việc điều chỉnh giá. 63,2% doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết tổng chi phí tăng lên trong 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm trước. Gần 1/3 số doanh nghiệp ghi nhận mức tăng đáng kể đối với chi phí xăng dầu. Không những vậy, khi giá nhiên liệu trở thành gánh nặng của doanh nghiệp sẽ gây ra nhiều bất lợi trong cạnh tranh, điển hình như tăng cách biệt về mặt chi phí logistics của Việt Nam so với bình quân thế giới và trong khu vực. Tính trong khu vực ASEAN, Việt Nam hiện nay đã ở mức 16,8% cao hơn các nước Singapore đang ở mức 8,5%, Malaysia 13,0% và Thái Lan là 15,5%.
Thêm vào đó, những rủi ro từ gián đoạn chuỗi cung ứng, bất ổn chính trị trên thế giới, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng giảm do lạm phát gia tăng tại khu vực các nước phát triển cũng tạo ra tác động cộng hưởng không nhỏ tới hoạt động ngành logistics trong nước. Nhiều chuyên gia nhận định, căng thẳng Nga - Ukraine đang làm xáo trộn các chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã rất mong manh sau “cú đánh” của đại dịch COVID-19.
Tại thời điểm cách đây một năm, phần lớn lãnh đạo doanh nghiệp trong ngành cho rằng tình trạng tắc nghẽn tại các cảng -minh chứng cho tình trạng mất cân đối cung cầu - sẽ chỉ kéo dài đến giữa năm 2022 tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của thế giới mới nảy sinh trong năm nay, thách thức này được gần 80% số doanh nghiệp dự báo sẽ còn tiếp diễn đến cuối năm 2023 và thậm chí sau đó nữa khi các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 được gỡ bỏ tại hầu hết các thị trường (bao gồm cả Trung Quốc).
52,6% số doanh nghiệp tham gia khảo sát của Vietnam Report cho biết số lượng đơn hàng giảm, hàng tồn kho tăng. Đáng chú ý, tại một số doanh nghiệp mức giảm lên tới 30-40% so với cùng kỳ năm 2021, đặc biệt là hàng xuất đi khu vực Mỹ và EU. Phân tích báo cáo tài chính của 34 doanh nghiệp logistics niêm yết trên sàn chứng khoán cũng cho thấy, bước sang quý 3 đã có thêm 8,8% số doanh nghiệp bị chuyển từ nhóm “đang trên đà phục hồi” trong 6 tháng đầu năm 2022 sang “suy giảm” trong 9 tháng đầu năm, phản ánh độ co giãn khá lớn của kết quả kinh doanh của ngành đối với những biến động trong nước và quốc tế.
Theo Thương hiệu và Pháp luật