Hiện nay, TP.HCM tập trung triển khai chuỗi kế hoạch tổng thể phát triển ngành logistics đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo kế hoạch, hai điểm nghẽn lớn được xác định đang cản trở ngành logistics thành phố là hạ tầng logistics và phát triển nguồn nhân lực.
Liên quan đến thông tin trên, tại hội nghị liên quan đến vấn đề phát triển logisitcs diễn ra ở TP.HCM, các chuyên gia kinh tế đều nhìn nhận TP.HCM là địa phương có nhiều thuận lợi về thương mại và vận tải quốc tế khi hội nhập kinh tế quốc tế liên tục được mở rộng. Cụ thể, với quy mô thị trường hơn 12 triệu người, TP.HCM vừa là thị trường tiêu thụ, vừa là trung tâm phân phối hàng hóa lớn nhất nước. TP.HCM cũng đồng thời vừa có các tuyến hàng hải trọng yếu, vừa có hậu phương đất liền thuận lợi, kết nối, lưu chuyển hàng hóa đa phương thức với nhiều nước. Vì vậy, rất cần sự quan tâm đầu tư kịp thời cho lĩnh vực logistics để TP.HCM có thể duy trì và phát huy được thế mạnh, đóng góp lớn hơn cho phát kinh tế và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho hay trong quá trình xây dựng chính sách và phát triển kinh tế, TP.HCM xác định logistics là một ngành rất quan trọng, có tác động đến sự phát triển bền vững, lâu dài cho tăng trưởng kinh tế thành phố. Đến nay, thành phố đã định hình được hướng đi và đang tập trung triển khai nhiệm vụ trọng tâm của ngành logistics như hình thành các trung tâm logistics, phát triển nguồn nhân lực...
Bà Phan Thị Thắng cũng chỉ ra hạ tầng giao thông, TP.HCM có thế mạnh về vị trí địa lý khi nằm giữa các trục giao thông Bắc-Nam, Đông-Tây nên trở thành trung tâm lưu chuyển hàng hóa trong nước và xuất nhập khẩu cho khu vực các tỉnh phía Nam, nhưng hiện tại hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thành phố. Đặc biệt, những tuyến đường vành đai kết nối TP.HCM với các tỉnh Đông-Tây Nam bộ triển khai còn chậm dẫn đến hoạt động giao thương chưa tương xứng với tiềm năng khu vực phía Nam.
Về phát triển mạng lưới trung tâm logistics, hiện chỉ có trung tâm logistics Khu Công nghệ cao (6ha) đang trong giai đoạn lựa chọn nhà đầu tư để triển khai xây dựng. Riêng những trung tâm logistics còn lại chủ yếu ở giai đoạn lập quy hoạch phân khu (1/2000) hoặc một số dự án “tương tự trung tâm logistics” như kho lạnh ở khu công nghiệp Vĩnh Lộc, kho thương mại điện tử ở huyện Củ Chi… đang được doanh nghiệp triển khai xây dựng.
Đối với phát triển nguồn nhân lực, TP.HCM là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước nên thành phố là môi trường hành nghề logistics lớn nhất nước, cung cấp nhân lực logistics cho nhiều tỉnh, thành phó trong cả nước. Tuy nhiên, kết quả đánh giá về hiện trạng công tác đào tạo thì mối liên kết giữa hệ thống trường đào tạo với doanh nghiệp logsitics còn chưa chặt chẽ, thiếu sự tương tác, kết nối để nắm bắt nhu cầu từ đào tạo đến đầu ra phục vụ cho ngành.
Liên quan đến phát triển kinh tế, theo Thời báo Tài chính Việt Nam, TP.HCM đã đặt mục tiêu phải phát triển logistics trở thành một ngành dịch vụ mũi nhọn, đóng góp tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Chia sẻ về định hướng phát triển ngành này cho xứng với tiềm năng và quy mô của một thành phố lớn nhất nước như TP.HCM, ông Bùi Tá Hoàng Vũ - Giám đốc Sở Công thương TP.HCM cho biết, kế hoạch thực hiện Đề án Phát triển ngành logistics TP.HCM giai đoạn 2025 - 2030 đã nêu rõ 6 giải pháp, trong đó phát triển hệ thống trung tâm logistics là cấp thiết. Bởi hiện nay các trung tâm của TP.HCM đều phát triển tự phát, chưa có sự phối hợp công - tư nên chưa có trung tâm logistics nào đủ tầm. "TP.HCM cần đầu tư 7 trung tâm logistics theo hình thức kêu gọi đầu tư. Trong đó, thành phố Thủ Đức có 3 trung tâm logistics ở các khu gần cảng Long Bình, cảng Cát Lái, khu công nghệ cao... phải hoàn thành tất cả thủ tục tư vấn, kêu gọi đầu tư vào năm 2023. Cùng với đó là đẩy mạnh liên kết vùng, với các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tây Ninh... TP.HCM cần nhiều đơn vị tư vấn để triển khai tốt nhất hoạt động của các trung tâm logisics" - ông Bùi Tá Hoàng Vũ nói.
Theo tạp chí Người đô thị, ông Nguyễn Quang Trung, chuyên gia của Đại học Kinh tế-Tài chính TP.HCM cho biết, trong sự phát triển của thương mại điện tử và kinh tế số, logistics điện tử (e-logistics) ngày càng thể hiện rõ tầm quan trọng không thể thay thế. Do đó, đầu tư phát triển hạ tầng logistics và hạ tầng công nghệ thông tin nhằm thúc đẩy phát triển e-logistics là cấp thiết nên phải kiến tạo cơ chế, chính sách và môi trường đón đầu công nghệ e-logistics trong chính sách phát triển logistics của TP.HCM kết nối vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Mục tiêu logistics là tính hiệu quả cùng với tiết kiệm chi phí, còn đối với e-logistics là tính hiệu quả từ tốc độ, sự minh bạch và tin cậy. Với e-logistics, nhu cầu vận chuyển thiếu ổn định và cũng không thể dự đoán được do số lượng khách hàng rất lớn, nhưng trong trường hợp logistics truyền thống thì nhu cầu về lô hàng có thể dự đoán được.
Đại diện một số sở, ngành, hiệp hội, đơn vị xúc tiến thương mại, đầu tư... cũng đánh giá, trong điều kiện hiện nay khi cả nước nói chung và TP.HCM nói riêng đang bước vào thời kỳ mới - thời kỳ hội nhập sâu rộng hơn về kinh tế. Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết, tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA); trong đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA)... là những FTA thế hệ mới với nội dung toàn diện và sâu sắc hơn.
Thực thi các FTA chính là quá trình gỡ bỏ dần những rào cản thuế quan và phi thuế quan, mang đến kỳ vọng mở rộng thị trường cho cả xuất khẩu nhập khẩu và phân phối nội địa. Thị trường thương mại tự do gia tăng vừa tạo ra những nhu cầu, vừa tạo ra các động lực cho sự phát triển của dịch vụ logistics và ngược lại logistics chính là nền tảng “bệ đỡ” cho sự tăng trưởng của kinh tế, đầu tư, thương mại...
Ngành dịch vụ logistics đang phát triển nhanh và mạnh tại Việt Nam theo sự tăng trưởng của xuất nhập khẩu cũng như dịch vụ bán lẻ, phân phối nội địa. Vì vậy, muốn nâng cao hiệu quả hoạt động, cải thiện tính cạnh tranh, cắt giảm chi phí, giá thành... doanh nghiệp phải sử dụng và ứng dụng công nghệ vào hoạt động logistics, còn các địa phương và quốc gia phải quy hoạch ngành phát triển bền vững.
Tuấn Linh (t/h)