Nhiều ông lớn bị gọi tên
Trong 46 dự án “bất động” ở Vĩnh Phúc, dự án Khu đô thị mới Chùa Hà Tiên của Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng xếp tốp 1 chậm tiến độ. Theo đó, dự án có tiến độ đến năm 2007 theo chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, sau 17 năm, dự án này vẫn chưa thể hoàn thiện, bàn giao đi vào sử dụng theo quy định của pháp luật.
Điều đáng nói, đây lại là dự án của một doanh nghiệp bất động sản có tiếng tại khu vực phía Bắc. Công ty CP Đầu tư Lạc Hồng được thành lập từ năm 2003, có trụ sở tại số 85 Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội cũng do ông Lê Xuân Trường làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tại Vĩnh Phúc, ngoài dự án “bất động” nêu trên, doanh nghiệp này cũng đang đầu tư dự án cáp treo Tây Thiên (260 tỷ đồng).
Mới đây nhất, Công ty cổ phần Nam Tam Đảo, do ông Lê Xuân Trường làm Tổng giám đốc – doanh nghiệp con của Lạc Hồng lại gây xôn xao dư luận về việc xin lập dự án khu sinh thái trong Vườn Quốc gia Tam Đảo.
Theo Báo cáo ĐTM công khai xin ý kiến, dự án dự kiến được triển khai trên diện tích 68ha, thuộc phân khu dịch vụ - hành chính của Vườn quốc gia Tam Đảo, tổng mức đầu tư hơn 731 tỷ đồng, trong đó vốn tự có của chủ đầu tư là 181 tỷ đồng, còn lại là vốn huy động từ ngân hàng.
Đáng bàn, diện tích doanh nghiệp này xin làm dự án chủ yếu là đất lâm nghiệp với 57,57ha, hiện có khoảng 15 hộ dân địa phương vẫn đang canh tác trồng các loại hoa màu và chăn nuôi gia súc trong khu vực triển khai.
Sau khi thông tin này được báo chí đăng tải, dự án nhận được nhiều đánh giá trái chiều, thậm chí là nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo những tác động môi trường sinh thái dự án có thể gây ra nếu quyết tâm xây dựng.
Trở lại câu chuyện 46 dự án “bất động”, tỉnh Vĩnh Phúc cũng bêu tên dự án Khu đô thị Đồng Sơn của Công ty TNHH Hữu Sinh. Dự án này chậm tiến độ tới 15 năm, kế hoạch xây dựng từ năm 2004 đến hết 2009 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thiện.
Một doanh nghiệp “máu mặt” khác là Công ty CP Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô cũng có hai dự án chậm tiến độ gồm Khu dịch vụ Bắc Đầm Vạc (tiến độ 8/2018-2/2021) và Khu đô thị sinh thái Sông Hồng Nam Đầm Vạc (tiến độ tháng 1/2010-2015).
Khu đô thị sinh thái Bắc Đầm Vạc của chủ đầu tư Công ty CP Sông Hồng Hoàng Gia, công ty con của Sông Hồng Thủ Đô, cũng chậm tiến độ so với thời hạn hoàn thành 2019 – 2022.
Danh sách còn có Khu Trung tâm thương mại và nhà ở Phúc Sơn (giai đoạn 2) của Công ty CP tập đoàn Phúc Sơn, tiến độ đến hết 2021 nhưng chưa hoàn thành.
Khu nhà ở đô thị ở TP Vĩnh Yên của Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ T&T cũng chậm tiến độ 21 tháng kể từ ngày được điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư.
Lãng phí đất đai, bức xúc dư luận
Tại Kỳ họp thứ 6 (Tháng 11/2023), thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết 74/2022/QH15 về giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong đó có vấn đề xử lý dự án, công trình chậm tiến độ.
Trong số hơn 1.000 dự án chậm tiến độ được Bộ trưởng Bộ Tài chính điểm tên, có 880 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng; 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và các nguồn vốn khác không hiệu quả hoặc lãng phí; 19 dự án chậm triển khai do vướng mắc về thủ tục, để đất đai hoang hóa, lãng phí…
Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng, điều này không chỉ lãng phí nguồn lực đất đai, gây bức xúc trong dư luận xã hội, mà còn phát sinh những hệ lụy xấu về công tác thu hút đầu tư, trở thành rào cản, điểm nghẽn đối với sự phát triển của các địa phương. Nghiêm trọng hơn, điều này làm giảm niềm tin của người dân vào tính hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước.
Theo Vụ Đất đai (Bộ TN-MT), qua thống kê, kiểm kê đất đai và tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 cho thấy, vẫn còn tình trạng nhiều dự án đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng.
Trên cơ sở báo cáo của 60/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Kết quả đã rà soát, thống kê được 3.424 dự án, công trình với tổng diện tích là 151.321,72ha đất đã giao, cho thuê, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án nhưng không được sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng.
Dự án, công trình đã có thông báo thu hồi đất nhưng chưa thực hiện là 381 dự án, với tổng diện tích 38.501,52ha; Dự án, công trình đã chấm dứt dự án đầu tư hoặc chủ trương đầu tư là 710 dự án, với tổng diện tích là 7.773,50ha.
Vụ Đất đai nhận định, nguyên nhân của tình trạng này chủ yếu do năng lực của nhà đầu tư còn yếu kém (không đủ năng lực tài chính và nguồn lực khác để thực hiện dự án). Mục đích của các chủ đầu tư là xin dự án để chiếm giữ đất nhằm đầu cơ chờ tăng giá, chuyển nhượng dự án (lấy lý do xin điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh dự án nhiều lần dẫn đến kéo dài tiến độ thực hiện dự án).
Đơn vị này cho rằng, trong thời gian tới cần hoàn thiện chính sách pháp luật, trong đó tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đất đai về xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng để đảm bảo tính đồng bộ giữa các Luật Xây dựng, Đầu tư, Đất đai.
Bên cạnh đó, xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết việc xử lý các dự án không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, dự án bị chấm dứt đầu tư để đảm bảo xử lý được cơ bản các vướng mắc.