Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong tháng 11, xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 780 triệu USD, là mức thấp nhất kể từ Tết Nguyên đán 2022 đến nay. Tuy nhiên, với giá trị xuất khẩu trong tháng qua, tính từ đầu năm đến hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản đã đạt 10,2 tỷ USD, tăng gần 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Và như vậy, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã ghi nhận một cột mốc mới là lần đầu tiên vượt mốc 10 tỷ USD trong một năm.
Ngoài cột mốc nói trên, xuất khẩu thủy sản trong 11 tháng qua cũng ghi nhận một cột mốc mới với mặt hàng tôm là lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD. Tôm vẫn là mặt hàng số 1 trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi chiếm tỷ trọng 39% trong tổng giá trị xuất khẩu của 11 tháng.
Tiếp đó là cá tra với kim ngạch 2,3 tỷ USD, chiếm 22,4%; cá ngừ đạt 941 triệu USD, chiếm 9,2%; mực, bạch tuộc đạt 704 triệu USD, chiếm 6,9%; các loại khác mang lại kim ngạch 1,9 tỷ USD, chiếm 18,4%...
Trong 11 tháng qua, Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam với kim ngạch trên 2 tỷ USD. Đứng thứ 2 là Trung Quốc, khoảng 1,6 tỷ USD. Nhật Bản đứng thứ 3 với khoảng 1,6 tỷ USD. EU khoảng 1,2 tỷ USD. Khối thị trường CPTPP (tính cả Nhật Bản) đạt khoảng 2,7 tỷ USD.
VASEP cho biết, xuất khẩu thủy sản lần đầu vượt mốc 10 tỷ USD trong một năm chủ yếu là nhờ tăng trưởng mạnh trong 3 quý đầu năm với những thuận lợi về nhu cầu thị trường, giá xuất khẩu tăng, nguồn nguyên liệu đủ cung ứng cho đơn hàng. Tuy nhiên trong những tháng gần đây, tăng trưởng xuất khẩu đã chậm lại khi nhu cầu thị trường tụt dốc.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến biểu dương, đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng nông dân, ngư dân và các doanh nghiệp trong toàn ngành thủy sản đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch năm 2022 với giá trị xuất khẩu vượt mức 10 tỷ USD.
Năm 2022, ước tính ngành thủy sản chiếm 3% tổng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. So với tổng kim ngạch xuất khẩu khu vực kinh tế trong nước, ngành thủy sản đóng góp gần 12% giá trị. Trên bản đồ xuất khẩu thủy sản thế giới, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn thứ 3, chiếm trên 7% thị phần trên thị trường thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc và Na Uy.
Thương hiệu Pháp luật