Tập Đoàn Vàng Bạc Đá Quý DOJI

Xuất hiện quỹ ngoại nắm trên 1% vốn tại Sacombank

Theo công bố mới nhất, hiện có 6 cổ đông, bao gồm 1 cổ đông cá nhân là Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh và 5 cổ đông tổ chức là các quỹ ngoại đang nắm giữ trên 1% vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

Mới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank – Mã CK: STB) đã cập nhật danh sách cổ đông nắm giữ trên 1% vốn của ngân hàng. Danh sách mới này có một số thay đổi về cổ đông cũng như tỷ lệ nắm giữ so với danh sách đã công bố trong tháng 12/2024.

Sacombank cho biết, ngoài các cổ đông sở hữu cổ phần đã ủy quyền cho Công ty TNHH một thành viên Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) (32,5% cổ phần), hiện có 6 cổ đông nắm giữ trên 1% vốn điều lệ của ngân hàng.

Cái tên mới xuất hiện trong danh sách này là Amersham Industries Limited với hơn 19 triệu cổ phiếu, tương đương 1,01%. Người liên quan đến cổ đông này nắm giữ 20,7 triệu cổ phiếu, tương đương 1,1%.

sacombank-quy-ngoai-1736953697.jpeg
 

Những cái tên còn lại trong danh sách vẫn là Quỹ Pyn Elite Fund (6,72%), ông Dương Công Minh (3,32%) và người liên quan (0,63%), Tianhong Vietnam Thematic Fund (1,43%), SCB Vietnam Alpha Fund Not For Retail Investors (1,43%) và Norges Bank (1,27%).

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank vẫn là cổ đông cá nhân duy nhất nắm giữ trên 1% vốn điều lệ của nhà băng này. Còn lại, 5 cổ đông tổ chức đều là các nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, cả Amersham Industries Limited và Norges Bank đều là 2 quỹ thành viên của quỹ ngoại Dragon Capital.

Sacombank đang trong giai đoạn cuối của quá trình tái cơ cấu dưới sự giám sát của NHNN. Hiện tại Sacombank chưa công bố báo cáo tài chính năm 2024. Tuy nhiên, thông tin tại lễ kỷ niệm 33 năm thành lập (21/12/1991 - 21/12/2024), lãnh đạo Sacombank cho biết lợi nhuận trước thuế của ngân hàng trong quý IV/2024 ước đạt hơn 4.600 tỷ đồng, tăng 68% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế dự kiến vượt 12.700 tỷ đồng. Nếu đúng kế hoạch, đây sẽ là năm mà Sacombank ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Với những kết quả tích cực trong những năm trở lại đây, chặng đường tái cơ cấu của Sacombank đang dần đi đến hồi kết sau hơn 9 năm. Giống như Chủ tịch Sacombank Dương Công Minh đã nói, Sacombank đã trở thành hình mẫu điển hình cho mô hình tái cơ cấu tự thân hiệu quả.

Việc nhận sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào năm 2015 giúp vốn điều lệ của Sacombank khi đó tăng lên 16.425 tỷ đồng cùng tổng tài sản 240.000 tỷ đồng. Nhờ đó, quy mô của Sacombank chỉ đứng sau 4 ngân hàng quốc doanh.

Tuy nhiên, đi cùng với đó, Sacombank cũng phải “cõng” khoản nợ khủng. Theo báo cáo tài chính, tính đến cuối năm 2016 nợ xấu của Sacombank là 13.166 tỷ đồng và số đã bán cho VAMC 37.300 tỷ đồng. Số nợ xấu này phần lớn là tồn đọng từ Ngân hàng Phương Nam.

Sau 1 năm sáp nhập, lợi nhuận sau thuế của Sacombank “rơi” từ 647,9 tỷ đồng năm 2015 xuống còn 88,6 tỷ đồng trong năm 2016. Tuy nhiên, Chủ tịch Dương Công Minh đã từng khẳng định sẽ đưa lợi nhuận năm 2017 của Sacombank tăng gấp đôi so với chỉ tiêu mà Đại hội đồng cổ đông đã đề ra.

sacombank-quy-ngoai-1-1736953698.jpeg
 

Ông Dương Công Minh đã giữ đúng lời hứa của mình, khi không chỉ năm 2017 mà cả những năm sau đó, lợi nhuận sau thuế của Sacombank luôn trên ngưỡng 1.000 tỷ đồng, vượt 2.454 tỷ đồng vào năm 2019 và tiến thẳng lên 7.718 tỷ đồng trong năm 2023.

Tỷ lệ nợ xấu cũng giảm dần theo từng giai đoạn, từ 6,81% trong năm 2016 giảm xuống còn 0,93% vào năm 2022 và dự kiến ở mức 2% vào năm 2024. Ngoài ra, Sacombank đã thu hồi, xử lý hơn 80% nợ xấu và tài sản tồn đọng, trích lập đầy đủ dự phòng theo đúng quy định, trong đó trích 100% dự phòng cho các khoản nợ bán VAMC chưa xử lý.

Các chỉ số khác cũng thể hiện sức khỏe của Sacombank. NIM của ngân hàng luôn duy trì trong ngưỡng ổn định, cao nhất là 9,4% vào quý IV/2023 và duy trì ở mức 7,7% trong quý III/2024.

Theo các chuyên gia VCBS, Sacombank sẽ tất toán toàn bộ trái phiếu VAMC và hoàn thành xử lý toàn bộ nợ xấu thuộc Đề án tái cơ cấu trong 2 năm tới. Trong bối cảnh thị trường bất động sản dần hồi phục và nguồn vốn cấp cho các nhà đầu tư dự án được nới lỏng, Sacombank có thể đẩy nhanh quá trình thu hồi tiền đấu giá và khoản nợ liên quan đến KCN Phong Phú sẽ đủ điều kiện hoàn nhập trích lập vào năm 2025.

Ngoài ra, Sacombank vẫn đang tích cực làm việc với các bên liên quan để xử lý 32,5% cổ phần của Sacombank do VAMC quản lý và việc chào bán được kỳ vọng có thể triển khai thành công từ cuối 2025.