Trước đó, ngày 18/9, Đội Quản lý thị trường số 3 thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Định phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an tỉnh Bình Định tiến hành kiểm tra đối với 2 doanh nghiệp là Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Mỹ Long và doanh nghiệp tư nhân hàng vàng Hương Bình đều có địa chỉ tại TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tại thời điểm kiểm tra, cả 2 doanh nghiệp đang trưng bày để bán hàng hóa là kim loại màu vàng có in/đúc/gắn trực tiếp nhãn hiệu Chanel trên từng sản phẩm, không thể tách rời; hàng hóa do Việt Nam sản xuất, không có hóa đơn chứng từ. Giá trị hàng hóa vi phạm của doanh nghiệp tư nhân hàng vàng Hương Bình hơn 65 triệu đồng và của Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Mỹ Long là gần 64 triệu đồng.
Sản phẩm trang sức giả mạo nhãn hiệu được bảo hộ tại Việt Nam. Ảnh: Cục QLTT Bình Định
Qua xác minh làm rõ, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Vàng bạc đá quý Mỹ Long và doanh nghiệp tư nhân hàng vàng Hương Bình mỗi doanh nghiệp 90 triệu đồng về hành vi trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ 40 - 70 triệu đồng.
Cũng liên quan đến vi phạm trong việc kinh doanh vàng, từ ngày 15/4/2024 đến ngày 25/6/2024, Đội Quản lý thị trường 4 thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Định đã kiểm tra 10 doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức trên địa bàn. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 10 doanh nghiệp vi phạm về giả mạo nhãn hiệu Chanel. Cục trưởng đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 10 doanh nghiệp trên với tổng số tiền 168 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 2 thuộc Cục Quản lý thị trường Bình Định đã kiểm tra 04 doanh nghiệp kinh doanh vàng, trang sức trên địa bàn. Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện 01 doanh nghiệp vi phạm về giả mạo nhãn hiệu Chanel và 03 doanh nghiệp vi phạm về biển hiệu, niêm yết giá. Cục trưởng và Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 2 đã ban hành các quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 04 doanh nghiệp trên với tổng số tiền 31,5 triệu đồng và buộc tiêu hủy toàn bộ hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.
Theo quy định về quản lý chất lượng vàng tại khoản 1 Điều 6 Thông tư 22/2013/TT-BKHCN ngày 26/9/2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ về chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ được phân hạng theo độ tinh khiết của vàng tương ứng với hàm lượng vàng được quy định. Ngoài ra, căn cứ Điều 19 Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 03/4/2012 của Chính phủ, các hành vi vi phạm các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng bao gồm: Hoạt động sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh do Ngân hàng Nhà nước cấp.
Hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; xuất khẩu, nhập khẩu vàng nguyên liệu không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp. Mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh của cá nhân vượt mức quy định không có giấy phép do Ngân hàng Nhà nước cấp. Sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán.
Hoạt động sản xuất vàng miếng trái với quy định tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP. Hoạt động kinh doanh vàng khác khi chưa được Thủ tướng Chính phủ cho phép và Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép. Vi phạm các quy định khác tại Nghị định 24/2012/NĐ-CP và các quy định của pháp luật khác có liên quan. Vàng giả là loại vàng kém chất lượng, không đảm bảo được hàm lượng vàng theo quy định của Thông tư 22/2013/TT-BKHCN. Hành vi bán vàng giả để lừa đảo sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7054:2014 về vàng thương phẩm - Yêu cầu kỹ thuật
TCVN 7054:2014 do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố quy định các yêu cầu kỹ thuật và cách ghi nhãn đối với tất cả các loại vàng thương phẩm lưu thông trên thị trường. Theo tiêu chuẩn này, chất lượng của vàng thương phẩm, còn gọi là tuổi vàng, được đánh giá chủ yếu theo hàm lượng của kim loại vàng trong sản phẩm đó. Hàm lượng của vàng được đo bằng các đơn vị sau:
- Kara (xem 3.10) ký hiệu là K. Ví dụ, vàng tinh khiết là vàng 24K; vàng 18K là loại vàng thương phẩm chứa 18 phần kim loại vàng và 6 phần kim loại khác; vàng 12K là sản phẩm chứa 12 phần kim loại vàng và 12 phần kim loại khác…
- Độ tinh khiết (xem 3.11). Ví dụ, vàng 750 là sản phẩm chứa 750 (75%) kim loại vàng và 250 (25%) phần kim loại khác.
Các đơn vị trên được quy đổi như trên Bảng 2. Để thuận tiện cho sử dụng, trong bảng có đưa ra cả đơn vị phần trăm hàm lượng vàng.
Về ghi nhãn, mọi sản phẩm làm từ vàng hoặc hợp kim vàng từ 8K trở lên (hoặc hàm lượng vàng từ 33,3% trở lên) lưu thông trên thị trường, đều phải được đóng ký hiệu độ tinh khiết (đóng nhãn) trực tiếp trên sản phẩm.