Phát biểu ý kiến về việc xử lý các ngân hàng yếu kém tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đây là vấn đề hết sức khó khăn, cần có thời gian. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt. Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành cũng đã trình, xin chủ trương của cấp có thẩm quyền để tích cực xử lý.
Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng bày tỏ, việc xử lý ngân hàng yếu kém trong điều kiện bình thường đã khó, trong bối cảnh nửa nhiệm kỳ với kinh tế thế giới và trong nước vô cùng khó khăn thì còn khó khăn hơn nữa. "Do vậy, việc xử lý các ngân hàng yếu kém vẫn đang ở trong cái giai đoạn hoàn tất", bà Hồng cho hay.
Về việc điều chỉnh các chính sách tiền tệ, theo bà Hồng, các báo cáo thẩm tra đã đánh giá toàn diện, chỉ rõ mặt được, mặt cần lưu ý để Ngân hàng Nhà nước điều hành tốt hơn chính sách tiền tệ năm 2024 và những năm tiếp theo của nhiệm kỳ.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải trình thêm, việc tiếp cận vốn tín dụng tới 21/9 tăng 5,33%, nhưng tới hết tháng 9 tăng gần 7%. Với việc điều hành quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành trong xúc tiến thương mại, tăng xuất khẩu, tăng khai thác thị trường trong nước, theo bà Hồng, tín dụng từ nay tới cuối năm tín dụng dự báo sẽ tăng lên.
Liên quan đến vấn đề xử lý ngân hàng yếu kém, trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai các giải pháp xử lý theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng. Đến nay, Chính phủ đã ban hành nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của 2 ngân hàng mua bắt buộc.
Ngân hàng Nhà nước đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật Các TCTD (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng này và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng kéo dài do việc tìm kiếm, đàm phán NHTM đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu TCTD yếu kém) kéo dài khó khăn do phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các NHTM và cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Cùng với đó, cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và Ngân hàng TMCP Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. Việc phối hợp, tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan còn kéo dài do việc xử lý các ngân hàng yếu kém phức tạp, chưa có tiền lệ.
Ngoài ra, năng lực cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, giám sát còn hạn chế trong điều kiện áp lực xử lý khối lượng công việc lớn, phức tạp, yêu cầu khẩn trương về tiến độ (vừa thực hiện công tác thanh tra, giám sát vừa thực hiện công tác cơ cấu lại ngân hàng yếu kém)...
Ngân hàng Nhà nước cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp để xử lý cơ bản các TCTD yếu kém. Tiếp tục hoàn thiện dự án Luật các TCTD (sửa đổi), trong đó tập trung khắc phục các bất cập, hoàn thiện cơ chế xử lý các TCTD yếu kém, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, đặc biệt là quản trị rủi ro của TCTD, hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành, quyền cổ đông để thao túng hoạt động ngân hàng vì mục đích vụ lợi.
Đồng thời, chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc hoàn chỉnh phương án chuyển giao bắt buộc theo đúng quy định của pháp luật và chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện.