Tổng diện tích KCN khoảng 600ha, nằm trên địa bàn 2 xã Hồ Sơn và Hòa Thắng, huyện Hữu Lũng.
Dự án sẽ bố trí khoảng 428ha đất xây dựng các công trình nhà máy kho tàng; 69 ha đất dành cho cây xanh mặt nước; 7ha làm công trình hành chính, dịch vụ; đất giao thông sẽ chiếm hơn 86ha và còn lại là đất hạ tầng kỹ thuật.
Trong đó, đất nhà máy kho tàng sẽ được chia thành 27 lô đất với diện tích dao động 7 - 35 ha/lô, mật độ xây dựng 60%, chiều cao tối đa 7 tầng, hệ số sử dụng đất 4,2 lần.
KCN VSIP Lạng Sơn sẽ lấy cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn làm động lực thúc đẩy phát triển cho toàn khu. Tuyến cao tốc này có nút giao đấu nối ngay trong phạm vi dự án (nút giao Hồ Sơn), mặt cắt ngang đường rộng 34 m. Dọc ranh giới phía đông bắc và đông nam có tuyến đường sắt Hà Nội - Đồng Đăng. Đây là tuyến đường sắt liên vận Á - Âu kết nối Hà Nội và các tỉnh đông bắc, được định hướng là tuyến đường sắt tốc độ cao.
Dự kiến, KCN VSIP Lạng Sơn sẽ được xây dựng chia thành 2 phân kỳ đầu tư. Cụ thể:
Phân kỳ 1 (2022 - 2027) sẽ đầu tư phần phía nam dự án. Giai đoạn này sẽ đầu tư xây dựng nhà điều hành, khu dịch vụ, nhà máy xử lý nước thải, trạm cấp nước, trạm biến áp, một số khu cây xanh cảnh quan và khoảng 402 ha đất xây dựng nhà máy, xí nghiệp.
Phân kỳ 2 (2027 - 2032) sẽ đầu tư phần phía bắc dự án, bao gồm 10 lô đất công nghiệp, 1 trung tâm hành chính dịch vụ, tổng diện tích khoảng 197,5 ha.
Chủ sở hữu của VSIP Lạng Sơn là CTCP Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). VSIP được thành lập vào năm 1996 với vốn điều lệ 946 tỷ đồng. Phía Singapore do SembCorp dẫn đầu, phía Việt Nam là Tổng công ty Đầu tư và phát triển công nghiệp – CTCP (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM) tham gia.
Đến nay, đã có 11 KCN của VSIP tại Việt Nam đi vào vận hành. Mới đây, Việt Nam và Singapore đã ký kết biên bản hợp tác phát triển 12 dự án VSIP mới tại các địa phương gồm: Nam Định, Khánh Hòa, Ninh Bình, Hải Phòng, Tây Ninh, Hải Dương, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Quảng Ngãi, Thái Bình.