Tối 11/5, tại Hải Phòng đã diễn ra chương trình Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2024 với chủ đề “Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản” gắn với kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà của Ủy ban Di sản thế giới (UNESCO).
Ngoài Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, nhiều lãnh đạo Trung ương, các Bộ, ngành, địa phương, đại diện các cơ quan đơn vị trong và ngoài nước cùng hàng vạn người dân đã tham dự, tạo nên sự thành công ngoài mong đợi cho sự kiện.
Trong bài phát biểu của mình, ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết, Lễ hội Hoa Phượng Đỏ năm 2024 có dấu ấn đặc biệt, bởi Hải Phòng và Quảng Ninh cùng nhau đón nhận Quyết định của UNESCO công nhận Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà, là di sản liên tỉnh đầu tiên của Việt Nam.
Từ năm 1992, tỉnh Quảng Ninh đã lập hồ sơ trình và năm 1994 vịnh Hạ Long được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, tiếp đó đến năm 2000 được ghi danh lần thứ 2.
Phát huy lợi thế này, với vị thế thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa đặc sắc, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung cho phát triển du lịch và đạt nhiều thành tích ngoạn mục với 9 năm liên tiếp có GRDP đạt trên 10%/năm.
Để nâng tầm giá trị vịnh Hạ Long, từ năm 2011 Quảng Ninh và Hải Phòng đã thống nhất và song hành lập hồ sơ trình UNESCO để vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào ngày 16/9/2023. Ông Nguyễn Văn Tùng khẳng định, Hải Phòng cùng với Quảng Ninh sẽ xây dựng chương trình hành động, nhằm bảo tồn, phát huy tối đa giá trị đối với di sản vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà.
Chúc mừng TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh, ông Jonathan Baker - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho biết, việc ghi danh quần thể Di sản thế giới vịnh Hạ Long – quần đảo Cát Bà là kết quả từ những nỗ lực phi thường của các địa phương, của người dân và những người đã làm việc rất tích cực để giữ gìn, bảo vệ tài sản thiên nhiên quý giá và độc đáo này, đặt di sản này ở mức độ bảo vệ cao nhất.
Tầm nhìn dài hạn của Hải Phòng và Quảng Ninh với sự phát triển chung thông qua sự kết hợp như vậy rất đáng trân trọng, UNESCO đánh giá cao sự liên kết chặt chẽ này.