Theo đó, đây là triển lãm quốc tế duy nhất về công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Việt Nam, VIMEXPO 2022 với mục tiêu “Kết nối để phát triển” tiếp tục sẽ là cầu nối giúp các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng lưới sản xuất vào chuỗi giá trị toàn cầu. Tại đây các doanh nghiệp sẽ giới thiệu sản phẩm thuộc 4 nhóm lĩnh vực chính: Cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, công nghiệp công nghệ cao, Điện tử và các nhóm ngành liên quan.
VIMEXPO 2022 có quy mô dự kiến gần 300 gian hàng của hơn 200 doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Triển lãm là cơ hội cho ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hội nhập và phát triển, là cầu nối cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ trong và ngoài nước gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm, giới thiệu sản phẩm, mở rộng quan hệ hợp tác, tiếp cận với những phương tiện kỹ thuật cao, những thành tựu công nghiệp hỗ trợ tiên tiến hàng đầu thế giới để nâng cao năng lực sản xuất… Từ đó, mở ra cơ hội cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Triển lãm VIMEXPO 2022 được kỳ vọng sẽ tiếp tục khẳng định vai trò là sự kiện uy tín hàng đầu của ngành công nghiệp hỗ trợ và chế biến chế tạo tại Việt Nam. Trong 3 ngày mở cửa, triển lãm dự kiến thu hút khoảng 12.000 khách đến tham quan và làm việc trực tiếp.
Theo tin từ Bộ Công Thương, triển lãm VIMEXPO 2022 được chủ trì bởi Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Công nghiệp (IDC), và Công ty CP Quảng cáo & Hội chợ Triển lãm C.I.S Vietnam tổ chức, hứa hẹn sẽ “Kết nối cùng phát triển”, giúp các doanh nghiệp về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam từng bước nâng cao vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu.
Liên quan đến công nghiệp hỗ trợ, ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, “Công nghiệp điện tử là ngành sản xuất vật chất mang tính cơ bản của nền kinh tế Việt Nam, có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác. Ngành điện tử Việt Nam chiếm tỷ trọng 17,8% toàn ngành công nghiệp với số lượng lao động trên 1 triệu người.”
Còn theo bà Trần Thị Hồng Liên - Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động (VCCI) cho biết: "Công nghiệp hỗ trợ hiện vẫn thiếu liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và các doanh nghiệp FDI. Kỹ năng của người lao động còn thấp, cần phải được đào tạo mới để tham gia các công việc có giá trị gia tăng cao hơn. Sức khỏe của người lao động bị ảnh hưởng khi tiếp xúc với các hóa chất; thị lực bị giảm, tăng nguy cơ các bệnh về mắt khi phải nhìn liên tục các chi tiết nhỏ..."
Ông Giorgio Aliberti - Đại sứ - Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam cho biết, hiện nay các nhà đầu tư, người tiêu dùng và các nhà lập pháp trên khắp thế giới ngày càng đặt yêu cầu cao hơn đối với nhiệm vụ thúc đẩy việc làm bền vững trong các chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi các rào cản từ đại dịch COVID-19 dần được xóa bỏ và nhu cầu giao thương, phục hồi sản xuất ngày càng gia tăng thì cần có những cơ hội thiết thực để các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam tiếp cận, học hỏi các xu thế mới của thị trường, các thành tựu đổi mới về kỹ thuật, công nghệ, gặp gỡ các đối tác tiềm năng đến từ khắp nơi trên thế giới. VIMEXPO, qua 2 lần tổ chức, đã được các doanh nghiệp đánh giá là chương trình chuyên ngành.