Sau tuyên bố rút lui của Mỹ khỏi Thỏa thuận Net Zero, nhiều ngân hàng lớn trên thế giới đã nhanh chóng rút lui khỏi Liên minh Ngân hàng Net Zero. Mở đầu là Ngân hàng Goldman Sachs của Mỹ vào ngày 8/12/2024. Sau đó là sự nối tiếp của các ngân hàng lớn trên nước Mỹ như Wells Fargo, Morgan Stanley, Citigroup, Bank of America và JPMorgan Chase. Mới đây, các ngân hàng của Canada như TD Bank, Bank of Montreal, National Bank of Canada và Canadian Imperial Bank of Commerce (CIBC) và gần nhất là Royal Bank of Canada (RBC) cũng tuyên bố rút khỏi Liên minh Ngân hàng Net Zero.
Liên minh Ngân hàng Net Zero hoạt động nhằm mục tiêu gì?
Liên minh Ngân hàng Net Zero (Net Zero Banking Alliance - NZBA) là sáng kiến toàn cầu do Liên Hợp Quốc tài trợ, cụ thể là Sáng kiến Tài chính của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (United Nations Environment Programme Finance Initiative - UNEP FI). NZBA được thành lập vào năm 2021 dưới sự điều hành của ông Mark Carney, Cựu Thống đốc Ngân hàng Canada. Vào thời điểm mới thành lập, NZBA có hơn 100 ngân hàng thành viên. Đến giữa năm 2023, con số này đã tăng đến hơn 130 ngân hàng, chiếm khoảng 40% tổng tài sản ngân hàng toàn cầu.
Từ những ngày đầu thành lập, NZBA đã thu hút các ngân hàng lớn trên thế giới tham gia nhằm khuyến khích các tổ chức tài chính hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Mục tiêu của NZBA là cam kết các hạng mục tài chính đạt mức phát thải ròng bằng 0, theo như mục tiêu của Thỏa thuận Khí hậu Paris đã đề ra trước đó. Để đảm bảo đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các ngân hàng phải tài trợ cho các ngành công nghiệp theo hướng bền vững, đồng thời hạn chế đầu tư vào các sản xuất tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu khí.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần công bố mục tiêu giảm phát thải trung hạn 5 năm/ lần đối với các lĩnh vực phát thải lớn như năng lượng, giao thông, bất động sản… Ngoài ra, báo cáo minh bạch về tiến độ thực hiện cam kết là rất cần thiết. Các báo cáo này phải công khai dữ liệu tài trợ và đầu tư nhằm đảm bảo trách nhiệm giải trình.
Vì sao các ngân hàng lớn đồng loạt rời khỏi Liên minh Ngân hàng Net Zero?
Trước thời điểm Mỹ tuyên bố rút lui khỏi Thỏa thuận Khí hậu Paris, NZBA từng có hơn 130 ngân hàng thành viên. Tuy nhiên, sau đó, các ngân hàng lớn trên thế giới như HSBC, Citigroup, JPMorgan Chase, Bank of America, Barclays, Deutsche Bank… cũng lần lượt rời khỏi NZBA. Nguyên nhân dẫn tới sự rút lui đồng loạt này được cho là do áp lực từ chính phủ, cổ đông cũng như lo sợ rủi ro pháp lý.
Mục tiêu chính lâu nay của Net Zero vẫn là cắt giảm phát thải nhưng một số chính phủ và nhà đầu tư vẫn lo ngại rằng, việc tuân thủ chặt chẽ theo cam kết khí hậu sẽ làm sụt giảm lợi nhuận của ngân hàng. Trong khi đó, khả năng cấp tín dụng cho các ngành công nghiệp quan trọng như dầu khí, than đá lại bị thu hẹp. Hiện nay, chính trị gia tại một số nước, điển hình là Mỹ đang gây áp lực lớn để khiến các ngân hàng không xóa bỏ tài trợ cho ngành năng lượng hóa thạch truyền thống.
Về mặt pháp lý, các ngân hàng lo sợ các quy định của Net Zero có thể trở thành hành vi thông đồng giữa các tổ chức tài chính, dẫn tới vi phạm luật cạnh tranh. Một rủi ro khác mà các tổ chức tài chính có thể gặp phải đó là bị kiện nếu từ chối tài trợ cho các ngành công nghiệp dựa trên cam kết về môi trường.
Bên cạnh đó, lợi ích kinh doanh và áp lực từ khách hàng cũng là một trong những lý do khiến các ngân hàng phải rời khỏi NZBA. Hiện nay các ngân hàng vẫn sở hữu một lượng lớn khách hàng trong ngành công nghiệp truyền thống. Vì thế, việc tham gia vào liên minh khí hậu này cũng có thể khiến cho họ mất đi lượng khách hàng tiềm năng. Trên khía cạnh về lợi nhuận, cam kết phát thải ròng bằng 0 cũng không đem tới lợi ích ngay lập tức cho các ngân hàng. Trong khi các ngân hàng cần duy trì lợi nhuận ngắn hạn thì cam kết Net Zero lại mang tới lợi nhuận dài hạn.
Hiện giờ, các tiêu chuẩn về đo lường phát thải vẫn thiếu thống nhất và còn gây tranh cãi. Vì thế, khả năng thực thi Net Zero đối với các ngân hàng vẫn còn mập mờ, thiếu rõ nét. Các ngân hàng gần như không được hướng dẫn cụ thể về thực hiện phát thải ròng bằng 0 như thế nào cho đạt tiêu chuẩn.
Ngày nay, sự phát triển của chiến lược ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị) đã trở thành kim chỉ nam cho nhiều doanh nghiệp lớn trên toàn thế giới. Thay vì bị ràng buộc bởi một tổ chức hay liên minh, các ngân hàng đã tự xây dựng chiến lược ESG cho riêng mình. Nhờ đó, các ngân hàng đã cân bằng được việc phát triển bền vững mà vẫn tăng trưởng được lợi nhuận.