CTCP Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) là tập đoàn đa ngành với các lĩnh vực như xây dựng, hạ tầng, bất động sản, công nghiệp,... Năm 2018, Trungnam bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực năng lượng tái tạo. Kể từ đó mảng này trở thành trụ cột chính của Trungnam Group.
Theo thông tin công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungnam Group) lãi sau thuế hợp nhất 254 tỷ đồng năm 2022, giảm 84,4% so với năm trước đó, tương ứng giảm 1.381 tỷ đồng.
Trước đó, một số đơn vị thành viên hoạt động trong mảng năng lượng tái tạo của Trungnam Group cũng đã công bố lợi nhuận sau thuế năm 2022 giảm sút so với năm trước đó. Riêng với CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 - chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Ea Nam ở Đắk Lắk đã công bố mức lỗ năm 2022 gần 859 tỷ đồng, trong khi năm 2021 lãi 1,4 tỷ.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản của Trungnam Group vượt 96.000 tỷ đồng, tăng hơn 3.500 tỷ so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu của tập đoàn hơn 27.914 tỷ đồng, giảm không đáng kể sau một năm. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu là 2,44 lần, tương ứng 68.110 tỷ đồng, tăng 5,4%.
Để tài trợ loạt dự án năng lượng, Trungnam Group cũng như các đơn vị thành viên cần nguồn vốn rất lớn. Xuyên suốt nhiều năm qua, nhóm công ty của ông Nguyễn Tâm Thịnh và Nguyễn Tâm Tiến đã liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu với giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng.
Tính tại cuối tháng 12/2022, dư nợ trái phiếu của tập đoàn này ở mức 24.285 tỷ, tăng 1.367 tỷ sau một năm, chiếm khoảng 36% tổng nợ phải trả.
Theo thống kê, tập đoàn có khoảng 7 dự án điện mặt trời và điện gió, tổng công suất thiết kế 1.492 MW, sản lượng hơn 4 tỷ kWh. Các dự án đã được khánh thành phần lớn trong năm 2021, và hoàn thành đi vào hoạt động vào cuối tháng 10/2021 để kịp hưởng giá ưu đãi FIT. Ngoài ra, đơn vị có 3 dự án thủy điện với tổng công suất 118 MW, sản lượng 435 triệu kWh.
Riêng đối với dự án Điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam của tập đoàn, vấn đề mua hay không mua phần 40% công suất chưa có giá đã kéo dài thời gian qua.
Theo thông tin mới nhất, cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Công thương đã chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) giải quyết dứt điểm kiến nghị có cơ sở Trung Nam - Thuận Nam, khẩn trương đưa vào khai thác phần công suất 172 MW của Nhà máy Điện mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận, bảo đảm đúng quy định của pháp luật. Cùng với đó, thực hiện đúng cam kết hợp đồng mua bán điện giữa các bên.
Mới đây, Quy hoạch Điện VIII cũng đã được thông qua với chiến lược ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm thủy điện, điện mặt trời, điện gió) sẽ đóng góp tỷ trọng trong cơ cấu tổng công suất là 50,3% vào năm 2030. Điều này sẽ là khung pháp lý quan trọng hỗ trợ cho các doanh nghiệp năng lượng tái tạo vốn đang vật lộn với chi phí tài chính thời gian qua.