Trong 4 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không tiền mặt tăng 57%

Theo Vụ Thanh toán, các chỉ số thanh toán không tiền mặt (TTKDTM) có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021-2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%,…
thanh-toan-khong-tien-mat-1716952003.pngPhương tiện TTKTM an toàn, tiện lợi, góp phần tạo nên chuyển biến rõ nét về hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt của người dân, doanh nghiệp và toàn nền kinh tế.
 

Theo Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết trong 4 tháng đầu năm, giao dịch TTKDTM đã tăng 57,11% về số lượng và 39,49% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động thanh toán quan kênh Internet tăng 47,48% về số lượng và 30,2% về giá trị; qua kênh điện thoại di động đạt tăng 59,26% về số lượng và 35,91% về giá trị.

Mặt khác, giao dịch qua ATM tiếp tục giảm 14,15% về số lượng và giảm 7,84% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023, cho thấy xu hướng dịch chuyển từ thanh toán bằng tiền mặt sang TTKDTM.

Xét trên mốc thời gian rộng hơn, số lượng giao dịch thanh toán qua kênh Internet và Mobile bình quân giai đoạn 2021 - 2023 lần lượt tăng trưởng ở mức 52% và 103,3%; tăng trưởng về số lượng và giá trị thanh toán qua phương thức QR Code đạt hơn 170%.

Đến hết 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán. Về mở tài khoản qua phương thức eKYC, 40 ngân hàng báo cáo đã triển khai chính thức với gần 35 triệu tài khoản thanh toán mở bằng eKYC đang hoạt động.

Tiếp nối thành công của chương trình Ngày không tiền mặt trong 5 năm qua, ngày 28/5, tại TP.HCM, Báo Tuổi trẻ phối hợp Vụ Thanh toán – NHNN tổ chức họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024, với chủ đề "Thúc đẩy phát triển thanh toán không tiền mặt an toàn".

thanh-toan-khong-tien-mat-1Các doanh nghiệp trên cả nước tham gia chương trình có thể khuyến mãi mức tối đa 100% ở Ngày khuyến mãi toàn quốc từ 10-16/6.
 

Tại họp báo, Ban tổ chức công bố các hoạt động Ngày không tiền mặt 2024, tháng khuyến mãi tập trung tại TP.HCM, ngày khuyến mãi tập trung toàn quốc Cashless Day 16/6 và lễ hội ngày không tiền mặt,... với các hoạt động tư vấn kỹ năng tài chính an toàn, minigame hiến kế giao dịch an toàn, hoạt động chạy bộ,…

Theo ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN), triển khai các nhiệm vụ trọng tâm tại Đề án phát triển Phát triển TTKDTM tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1813/QĐ-TTg ngày 28/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, ngành Ngân hàng đã tập trung xây dụng, hoàn thiện thể chế và tăng cường ứng dụng các công nghệ mới, đổi mới mô hình kinh doanh, hoạt động hợp tác để sáng tạo và cung ứng các sản phẩm, dịch vụ an toàn, bảo mật, tiện ích, đem lại nhiều giá trị gia tăng vượt trội cho khách hàng.

NHNN hiện đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP ngày 15/5 quy định về TTKDTM thay thế cho Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Nghị định số 52 nhằm tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản, vững chắc cho hoạt động TTKDTM. NHNN cũng đang khẩn trương hoàn thiện các dự thảo Thông tư để hướng dẫn thực hiện Nghị định 52, để tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thúc đẩy TTKDTM gắn với đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ quyền lợi người sử dụng dịch vụ.

Tại họp báo, bà Lê Thị Thúy Sen, Vụ trưởng Vụ Truyền thông cho biết, NHNN là đơn vị được Chính phủ giao thực hiện nhiệm vụ điều phối chung Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 149/QĐ-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ), trong đó, truyền thông giáo dục tài chính là một nhiệm vụ quan trọng.

Nhiệm vụ của truyền thông giáo dục tài chính là để “không ai bị bỏ lại phía sau trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính”, nâng cao nhận thức của công chúng về các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính, đẩy lùi tín dụng đen.

Để thực hiện hiệu quả, hoạt động truyền thông giáo dục tài chính cần đánh giá thực trạng trên cơ sở khách quan, khoa học và đưa ra các giải pháp với mục tiêu rõ ràng, tính khả thi và lượng hóa được kết quả hoạt động truyền thông giáo dục tài chính của NHNN.